Bổ nhiệm cán bộ phải công khai cạnh tranh

Sáng qua (20-10), Quốc hội đã thảo luận lần cuối dự án Luật Cán bộ, công chức (CBCC). Nhiều đại biểu đề nghị cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, thi tuyển vị trí lãnh đạo, định lượng tiêu chí đánh giá CBCC.

Công khai “gút-bai” nạn “chạy”

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) - người đã nhiều lần lên tiếng ở diễn đàn Quốc hội về vấn nạn chạy chức, chạy quyền nói: “Nạn chạy chức, chạy quyền diễn ra ở nhiều nơi. Vừa rồi một bí thư tỉnh ủy bị kỷ luật cũng liên quan đến việc này. Tôi đề nghị bổ sung vào luật: Thứ nhất, về nguyên tắc bổ nhiệm thì phải thực hiện cơ chế dân chủ, công khai, minh bạch, tạo tính cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng viên. Thứ hai, người có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Đối với phương thức bổ nhiệm, ông Cuông đề nghị: Một, phải có nhiều ứng cử viên của một vị trí lãnh đạo và các ứng viên phải trình bày chương trình hành động của mình trước hội đồng thẩm định. Hai, lập hội đồng thẩm định để thẩm định hồ sơ, phẩm chất, năng lực, uy tín và tổ chức đối thoại, đánh giá kết quả theo tiêu chí cụ thể đối với từng ứng viên. Ba, tập thể cấp ủy hoặc tập thể lãnh đạo quyết định trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá của hội đồng thẩm định.

Trao đổi thêm với phóng viên Pháp Luật TP.HCM, ông Cuông cho rằng nếu thực hiện cơ chế bổ nhiệm như ông đề xuất sẽ chấm dứt được nạn chạy chức. “Vì những kẻ muốn chạy chức sẽ không có cơ hội “chạy” đến một vài cá nhân lãnh đạo và các cá nhân này cũng không thể nhân danh tổ chức mà bổ nhiệm bừa bãi nữa” - ông Cuông nhấn mạnh.

Ủng hộ ý kiến này, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo lên tiếng: “Tôi muốn hướng tới việc khuyến khích thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, từ phó trưởng phòng của cấp quận, huyện trở lên...”.

Đưa trách nhiệm người đứng đầu vào luật

Trước Quốc hội, ông Cuông cũng kiến nghị: “Phải đưa trách nhiệm của người đứng đầu vào luật”. Đồng tình, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) lên tiếng: “Tôi đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Lâu nay chúng ta vẫn đặt vấn đề nếu để xảy ra những tiêu cực ở cơ quan, đơn vị thì quy trách nhiệm của người đứng đầu nơi đó như thế nào?”.

“Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đại biểu Tuyết là nên quy định trách nhiệm người đứng đầu trong lực lượng CBCC. Bởi vì thời gian qua, mọi công việc được hay không được của cơ quan nào đó thì trách nhiệm của người đứng đầu rất hạn chế” - đại biểu Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) bày tỏ.

Đối với việc đánh giá CBCC hiện nay, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng còn nặng về hình thức và mang tính định tính rất nhiều. Do đó, trong luật cần quy định cụ thể hơn những tiêu chí để đánh giá khách quan, chính xác đối với kết quả làm việc của CBCC. Có như vậy mới tạo ra được môi trường làm việc tốt để CBCC phấn đấu. “Trong luật nên quy định nguyên tắc cho phép những đối tượng được công chức phục vụ tham gia đánh giá công chức chứ không nên để trong nội bộ “đóng cửa” đánh giá nhau” - ông Tâm nhấn mạnh thêm.

Đại biểu Phạm Phương Thảo lại phân vân về quy định tại Điều 58 “khi đánh giá, phân loại hai năm mà không hoàn thành được nhiệm vụ thì sẽ bố trí công tác khác”. Theo bà Thảo, quy định như vậy khiến cho việc cho thôi việc công chức rất khó khăn. “Tôi nghĩ nên có cách nào đó làm cho bộ máy của chúng ta bớt trì trệ” - bà Thảo nói.

Phân biệt đối xử với công chức cấp xã?

Khoản 4 Điều 63 dự luật quy định “CBCC cấp xã được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan từ cấp huyện trở lên nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định”. Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) lên tiếng: Quy định như thế là buộc CBCC cấp xã muốn chuyển lên làm việc ở cấp cao hơn thì phải qua một cuộc thi, không đảm bảo tính liên thông trong hệ thống chính quyền. Trong khi đó, để trở thành CBCC cấp xã, họ cũng đã phải đáp ứng quy định về tiêu chuẩn từng chức danh, phải vượt qua một kỳ thi tuyển hoặc bầu cử tương tự như đối với CBCC bình thường.

“Việc phân biệt này sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác thu hút người có trình độ về công tác ở xã do quyền lợi bị thiệt thòi. Cấp xã là một cấp được Hiến pháp công nhận. Do đó, đề nghị dự luật phải thiết kế lại để xác định CBCC có bốn cấp từ trung ương đến xã, mọi quyền lợi và nghĩa vụ đều như nhau theo quy định của pháp luật” - đại biểu Danh Út (Kiên Giang) phân tích.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm