Bộ trưởng Thăng: Nhận khuyết điểm, Bộ trưởng Quang: Kiểm điểm nghiệp vụ

Cuối phiên chất vấn chiều qua (14-6), trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) về trách nhiệm của mình khi bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng (chủ tịch HĐQT-tổng giám đốc Vinalines) làm cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã làm nhiều người bất ngờ khi lần đầu tiên ông xin nhận trách nhiệm, không chỉ một lần mà những ba lần, về những thiếu sót trong vụ bổ nhiệm tốn nhiều giấy mực của báo chí này.

Bộ trưởng Thăng gây bất ngờ

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) là người duy nhất đặt câu hỏi với bộ trưởng Bộ Công an và GTVT liên quan đến việc bỏ trốn và bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, chính những câu hỏi của ĐB này đã làm không khí nghị trường QH nóng đến phút chót.

“Trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng vào vị trí quan trọng như thế nào? Việc này Bộ trưởng đã có văn bản trả lời nhưng trong năm trang rưỡi tôi nhận được chỉ có một dòng rưỡi Bộ trưởng nhận trách nhiệm là chưa cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí” - ĐB Đỗ Mạnh Hùng nói.

Theo điều hành của chủ tọa phiên chất vấn là Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã xuất hiện trước nghị trường QH vào 5 phút chót của phiên chất vấn để trả lời câu hỏi của ĐB Hùng. Đầu tiên, ông Thăng nhắc lại đầy đủ những nội dung đã từng trả lời về vụ việc này như việc bổ nhiệm ông Dũng tuân thủ đúng quy trình, quy định về công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ của Đảng, của Nhà nước và đúng thẩm quyền; các bước đều đảm bảo tính dân chủ và có sự bàn bạc tập thể, sự thống nhất tuyệt đối của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT; việc bổ nhiệm ông Dũng cũng không trái với quy định luật thanh tra…

Thế nhưng điều bất ngờ đã xảy ra khi Bộ trưởng Thăng lên tiếng: “Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được rằng thực tế hiện nay ông Dũng đã bị khởi tố về hành vi vi phạm khuyết điểm từ năm 2007. Cho nên để xảy ra việc bổ nhiệm ông Dũng là trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ GTVT. Với tư cách là bí thư Ban Cán sự, là bộ trưởng Bộ GTVT, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này. Đó là chưa thực sự sâu sát việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội, chưa cân nhắc thận trọng trong bối cảnh, thời điểm bổ nhiệm; công tác giám sát, kiểm tra cán bộ trước đây cũng làm không tốt. Nếu làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm cũng có thể phát hiện ra ông Dũng vi phạm khuyết điểm”.

Bộ trưởng Thăng: Nhận khuyết điểm, Bộ trưởng Quang: Kiểm điểm nghiệp vụ ảnh 1

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang: “Chúng tôi đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn, xem có lộ, lọt thông tin hay không. Chúng tôi cũng chỉ đạo Cơ quan CSĐT kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc về các biện pháp công tác nghiệp vụ.”

Bộ trưởng Thăng: Nhận khuyết điểm, Bộ trưởng Quang: Kiểm điểm nghiệp vụ ảnh 2

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: “Tôi xin nhận trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dũng. Đó là chưa thực sự sâu sát việc đánh giá, quản lý cán bộ, chưa cân nhắc thận trọng trong bối cảnh, thời điểm bổ nhiệm; công tác giám sát, kiểm tra cán bộ trước đây cũng làm không tốt.”

Ông Dũng trốn thoát là do pháp luật còn hạn chế

Trước đó, vào đầu phiên chất vấn, câu hỏi ĐB Hùng dành cho Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng không kém phần thẳng thắn. “Trong khi người dân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm của các chiến sĩ công an trong đấu tranh chống tội phạm thì cũng bức xúc trước việc bị can Dương Chí Dũng bỏ trốn trước thời điểm bắt tạm giam trong khi đã điều tra nhiều lần. Trách nhiệm Bộ trưởng như thế nào khi để xảy ra việc đó? Tại sao lại để Dương Chí Dũng trốn thoát? Biện pháp để sớm bắt? Biện pháp để ngăn chặn trường hợp tương tự?” - ĐB Hùng hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết đã chỉ đạo cơ quan CSĐT làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn, xem có lộ, lọt thông tin hay không. Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật. “Chúng tôi cũng chỉ đạo cơ quan CSĐT kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc về các biện pháp công tác nghiệp vụ. Mặc dù theo quy định của pháp luật, trước khi khởi tố bị can, ra lệnh bắt, khám xét đối với ông Dương Chí Dũng thì chưa được áp dụng các biện pháp ngăn chặn” - Bộ trưởng Quang lý giải.

Bộ trưởng Quang cũng cho hay ngay sau khi phát hiện ông Dũng bỏ trốn, cơ quan CSĐT đã động viên gia đình ông Dũng vận động ông này ra đầu thú, làm việc với cơ quan điều tra nhưng không có kết quả. Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã đặc biệt trong toàn quốc, đồng thời phối hợp với các tổ chức cảnh sát quốc tế, cơ quan phòng, chống tội phạm các nước có liên quan để truy bắt ông Dũng nếu như trốn ở nước ngoài.

Hai bộ trưởng đề nghị sửa luật để không khó xử

Để tránh tình trạng bỏ trốn tương tự như ông Dương Chí Dũng, Bộ trưởng Trần Đại Quang kiến nghị với QH, cơ quan chức năng khi nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết. “Cụ thể như biện pháp điều tra trinh sát, điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có chứng cứ dấu hiệu, phạm tội tham nhũng, để tránh tình trạng có những đối tượng tìm cách bỏ trốn. Việc này đối với tội phạm ma túy, xâm phạm an ninh quốc gia pháp luật đã cho phép” - Bộ trưởng Quang nói.

“Vậy Bộ trưởng có thể cho biết bao giờ bổ sung được những quy định này để kịp thời ngăn chặn tội phạm kinh tế, tham nhũng?” - ĐB Đỗ Mạnh Hùng tiếp tục hỏi lại. Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng câu hỏi này không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Quang nên đề nghị Bộ trưởng chuẩn bị trình Chính phủ, để Chính phủ gửi QH.

Liên quan đến việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, ngoài việc nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ có đề xuất báo cáo Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền hai vấn đề. Một là phải có sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan có liên quan, đặc biệt là giữa các bộ với Thanh tra Chính phủ, với cơ quan công an trong khi có vụ việc thanh tra hay việc gì có liên quan đến bộ, đến ngành. Hai là chúng tôi đang nghiên cứu có đề xuất bổ sung các quy định của pháp luật là trong khi thanh tra một đơn vị cần có quy định không được điều động, không được bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị đó sang đơn vị khác”.

Theo Bộ trưởng Thăng, với quy định như hiện nay mặc dù làm đúng quy trình, đúng thủ tục nhưng vẫn xảy ra việc không tốt như trường hợp của ông Dũng, chỉ một thời gian vài tháng sau khi bổ nhiệm đã bị cơ quan công an khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam. “Một lần nữa tôi xin được nghiêm túc nhận khuyết điểm sâu sắc về việc này, cũng như chúng tôi đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trong tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, kiểm điểm trách nhiệm của bộ trưởng cũng như cá nhân, các đơn vị có liên quan để báo cáo Thủ tướng trong thời gian ngắn nhất” - ông Thăng bày tỏ.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm