Bộ trưởng trả lời

Hiện nay trên đài truyền hình trung ương vào chương trình thời sự phát lúc 7 giờ tối Chủ nhật hằng tuần có mục “Dân hỏi, bộ trưởng trả lời”. Các phiên họp chất vấn các bộ trưởng của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được truyền hình trực tiếp. Những cuộc hỏi đáp này được người dân quan tâm và chờ đợi. Chúng buộc các bộ trưởng phải bộc lộ mình trước con mắt giám sát của toàn dân về tư duy điều hành quản lý và cả cách phát biểu, nói năng. Nhưng theo dõi nhiều phiên chất vấn tôi thấy cách các bộ trưởng trả lời vẫn chưa thực đúng tinh thần “chất vấn”.

Các câu hỏi được đặt ra thường là đi thẳng vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm của từng lĩnh vực ở thời điểm nhất định, đòi hỏi người đứng ở cương vị cao nhất của quản lý ngành phải trả lời cụ thể, chi tiết, không vòng vo, tránh né, không sa vào những lời lẽ dông dài, chung chung. Tiếc thay, đây lại là căn bệnh các bộ trưởng hay mắc phải. Dẫn chứng gần đây nhất là bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại cuộc chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 22-3-2013. Ông Luận đã không trả lời câu hỏi này của đại biểu Huỳnh Nghĩa: “Bộ trưởng nghĩ gì về việc ngành giáo dục đã quá chậm trễ trong việc đưa kiến thức về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào nhà trường, vào sách giáo khoa và vào chương trình giảng dạy học lịch sử phổ thông? Trong khi đó ngày càng xuất hiện nhiều sai sót khó có thể chấp nhận trong việc giáo dục ý thức chủ quyền đất nước trong một số sách do ngành giáo dục biên soạn và xuất bản như vừa qua?”. Đây là một vấn đề cấp thiết, thời sự, đang được dư luận xã hội quan tâm, lo lắng và đã được bàn luận công khai. Đến ngay như cuộc chiến tranh biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2-1979 có nên đưa vào sách giáo khoa lịch sử không cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu và nhà giáo đề cập, thảo luận. Vậy sao trước một chuyện lớn và hệ trọng như vậy người đứng đầu ngành giáo dục lại im lặng? Ông bộ trưởng ngại và sợ điều gì? Khi “vị tư lệnh ngành” phớt lờ chuyện này thì các thầy cô và sinh viên, học sinh sẽ dạy và học thế nào về chủ quyền quốc gia trên biển?

Nói đi cũng phải nói lại, các bộ trưởng cũng có cái khó của họ. Đó là quyền hạn và trách nhiệm của họ không phải lúc nào cũng đi liền với nhau. Gọi họ là “tư lệnh ngành” cho oai vậy chứ thực ra họ không được quyết hoàn toàn trong lĩnh vực của mình vì ngại cũng có, mà vì sự chồng chéo, chưa đồng bộ trong các văn bản pháp quy, các quan hệ liên ngành cũng có. Thì cũng chính ông Luận bảo cái việc sách in cờ Trung Quốc của Nhà xuất bản ĐH Sư phạm là thuộc ngành ông thì bộ xử lý được, còn như cái Nghị định 60 của Chính phủ về trợ cấp cho học sinh vùng cao thì ông cũng bảo nên thống nhất về một mối, nhất là bên Bộ Tài chính cấp tiền chứ Bộ GD&ĐT chỉ triển khai được thế thôi. Trong phần trả lời của mình cho câu hỏi về chuyện này của đại biểu Lê Minh Thông, ông Bộ trưởng Luận cũng quên không đả động gì đến thư nhà báo Trần Đăng Tuấn gửi cho ông (hai thư) mà ông Thông có nói đến.

Quốc hội nước ta đang bước đầu tập vận hành theo lối nghị trường. Tranh luận nghị trường là rất quan trọng và cần thiết. Mà muốn tranh luận có ích cho quốc kế dân sinh trên diễn đàn Quốc hội thì các thành viên Chính phủ và các đại biểu đều phải tự trang bị cho mình tri thức, bản lĩnh và kỹ năng phát biểu. Người dân chờ đợi ở các bộ trưởng biết nghe và biết nói sự thật trong những phiên chất vấn công việc của mình.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm