Các tổ chức xã hội thảo luận góp ý hiến pháp

Tại buổi hội thảo, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi HP, đúng như ý kiến của ông Nguyễn Trung - thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng trước đây: “Sửa đổi HP lần này không phải vì vài điều khiếm khuyết, lạc hậu của HP hiện hành, mà là vì cần có bản HP mới đáp ứng tình hình mới, cả trong và ngoài nước, với viễn kiến hàng chục năm”. Ngoài ra, việc sửa HP thực chất là một cuộc vận động để cải cách thể chế, với cơ sở đánh giá rằng thể chế hiện tại đã hoàn thành nhiệm vụ đổi mới kinh tế, phát triển theo chiều rộng, nay cần đổi mới để phát triển theo chiều sâu. Thể chế mới cũng phải thu hút được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đối phó với biến động lớn chính trị thế giới.

Một cách tổng quát, đại diện các CSO cho rằng HP mới phải phản ánh đúng chức năng của một HP dân chủ, với quyền lập hiến thuộc về toàn dân; bảo đảm các quyền tự do, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp. Đồng thời, việc sửa đổi HP lần này phải thiết lập được các cơ chế hiến định để xử lý vi phạm đối với các quyền tự do đặc biệt này.

Cụ thể, dự thảo góp ý của các CSO kiến nghị “Lời nói đầu HP” nên thể hiện theo cách: “Chúng tôi, nhân dân VN, vì mục tiêu hạnh phúc và tự do của toàn dân, vì một xã hội công bằng, dân chủ và tôn trọng pháp quyền, thông qua Quốc hội xây dựng bản HP này”. Về chương II - quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, đại diện các CSO cho rằng cần định riêng một số quyền con người thuộc loại quyền tuyệt đối (như quyền sống, quyền không bị tra tấn, không bị đối xử vô nhân đạo, quyền tự do tư tưởng…), hàm ý khẳng định Nhà nước không được giới hạn trong bất kỳ hoàn cảnh, bất kỳ lý do nào. Như thế, không nên đặt ngay một điều khoản tổng quát về giới hạn quyền con người, quyền công dân ở đầu chương. Thay vào đó, trong từng điều ứng với từng quyền cụ thể cần nêu rõ quyền đó chỉ bị hạn chế bởi luật.

Dự thảo góp ý của các CSO cũng chỉ ra một hạn chế lớn của HP 1992 (và dự thảo cũng chưa khắc phục được) là thiếu vắng thiết chế chuyên trách bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Vì vậy kiến nghị bổ sung dự thảo thiết chế Ủy ban Quốc gia về quyền con người, như một thiết chế hiến định bên cạnh Hội đồng HP, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Bầu cử

Sau hội thảo này, các CSO sẽ tiếp tục tham gia ý kiến hoàn thiện bản góp ý của mình, gửi tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP 1992 trước ngày 31-3.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm