Cải cách hành chính: Máy hư, dân chen chúc như cũ!

Cách đây vài năm, nhiều quận, huyện đã trang bị các phương tiện hỗ trợ cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là ở bộ phận “một cửa” với các máy xếp hàng, máy kiểm tra kết quả… Việc trang bị này nhằm giúp người dân đỡ đi lại, chờ đợi vất vả mới nộp được hồ sơ nhà đất, kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn, cảnh dân xếp hàng dài đang lặp lại ở một số quận.

Nhọc công, mất sức

Tại quận 12, trưa 8-3, khá nhiều người dân đến làm thủ tục tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ. Mạnh ai nấy chen nhau nộp hồ sơ, không theo thứ tự nào hết. Ở quận Gò Vấp, máy bấm số thứ tự, lượng hồ sơ khá lớn nên số lượng người đến giao dịch rất đáng kể, cán bộ trả lời bở cả hơi tai. “Mấy hôm nay còn đỡ, hồi mới chuyển qua cấp giấy mới, mấy chục người đứng ngồi lố nhố, tranh nhau còn hơn cái chợ” - một người dân lắc đầu than.

Tình trạng trên cũng lặp lại ở quận 10, người dân giờ phải nộp hồ sơ vào rổ và ngồi chờ gọi tên. Một số người sốt ruột và ngại hồ sơ bị thất lạc nên đứng xúm quanh quầy.

Ông Lê Ngọc Hà (đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh) đang ngồi chờ gọi tên để biết hồ sơ tới đâu. Ông kể ông đã thử bấm máy kiểm tra kết quả hồ sơ trên biên nhận, quét mã vạch thì được máy thông báo: “Không tìm thấy dữ liệu”. Thấy biên nhận có để số điện thoại tổng đài - cũng để theo dõi kết quả, ông thử nhắn tin thì… một đi không trở lại (chưa biết có bị trừ tiền hay không). Ông gọi điện thoại thì chỉ nghe tiếng tút dài. Lò dò lên website quận Bình Thạnh tra cứu thì thậm chí ông còn không thấy có phần kiểm tra kết quả. “Không còn cách nào hay hơn, quay lại cách truyền thống mà chắc ăn, mất công chút cũng phải chịu” - ông kể.

Cải cách hành chính: Máy hư, dân chen chúc như cũ! ảnh 1

Người dân chen lấn nộp hồ sơ từ khi máy bấm số tại quận Gò Vấp bị hư. Ảnh: CẨM TÚ

Tại quận 7 thì hệ thống kiểm tra kết quả thuộc loại… hên xui. “Nhắn tin chập chờn, lúc được lúc không, lên website thì thông tin cũ từ mấy năm trước” - chị Lê Thị Thư (phường Tân Hưng) đang nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho biết. Thế là lâu lâu chị lại xin nghỉ một buổi để đến quận, chỉ để hỏi thăm tình hình hồ sơ.

Riêng máy dò kết quả qua mã vạch của quận Gò Vấp thì mua từ năm 2009, tới giờ… chưa mang ra xài lần nào, hiện vẫn còn nằm trong kho!

Có nơi còn chưa biết máy hỏng

Vì sao máy bấm số thứ tự ở quận Gò Vấp “đứng hình”? Bà Trần Thị Ngọc Hương, Phó Chánh văn phòng UBND quận Gò Vấp, giải thích có lẽ do quá nhiều người sử dụng nên máy này hư từ mấy tháng nay. Trước đây khi mới mua máy về, quận cử người của Phòng Quản lý đô thị ra bấm số. Sau quận thấy không thể “sắm” ra một nhân viên chỉ làm công việc này nên để người dân tự làm. “Nhiều người làm sai thao tác, thay vì in một phiếu lại nhấn nhiều lần, in nhiều phiếu rồi bỏ đó” - bà Hương bày tỏ. Về chất lượng máy, bà Hương cho biết do bà mới nhận nhiệm vụ nên không rõ đơn vị cung cấp. Bà chỉ biết khi hệ thống trục trặc thì gọi điện thoại di động để họ đến sửa. “Nhưng sửa bữa trước, bữa sau lại hư nữa. Quận dự định năm nay nâng cấp lại toàn bộ văn phòng tiếp nhận hồ sơ, lúc đó sẽ xem luôn mấy cái máy này” - bà Hương cho hay.

Cải cách hành chính: Máy hư, dân chen chúc như cũ! ảnh 2

Máy bấm số thứ tự ở quận 12 dán thông báo “Máy hư” từ khi nào không rõ. Ảnh: CẨM TÚ

Giải thích lý do máy dò kết quả hồ sơ qua cảm ứng mã vạch trên giấy biên nhận quận Gò Vấp mua về lại nằm trong kho, một nhân viên phòng quản trị mạng cho biết do chưa hoàn chỉnh phần mềm. “Khi nào làm xong thì chúng tôi sẽ mang ra cho người dân xài. Vì mới đây, giấy hồng lại đổi qua mẫu mới nên phần mềm cũ không còn phù hợp, chờ cập nhật nên tạm thời cất đó” - nhân viên này thông báo.

Quận 12 thì cho biết có nghe báo máy tự động bị hư và sẽ cho người sửa. Trong khi đó, đến bây giờ Chánh văn phòng UBND quận Bình Thạnh Phan Văn Định khẳng định: “Chưa nghe báo cáo hệ thống này bị trục trặc, không sử dụng được nữa”.

Quận, huyện phải tự chịu trách nhiệm

Hiện nay, các trang thiết bị, máy móc hỗ trợ CCHC đều do mỗi đơn vị tự trang bị, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phần mềm. Vì vậy, những trường hợp để máy móc hư lâu, không sử dụng được như báo phản ánh thì thủ trưởng đơn vị ấy chịu trách nhiệm và phải có kế hoạch sửa chữa, đầu tư.

Trước mắt, chúng tôi sẽ yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan phải tự kiểm tra lại các trang thiết bị, con người, chế độ chính sách, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các nơi. Ban cũng sẽ kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ các địa phương để tránh tình trạng để máy móc biến thành đống sắt lãng phí như hiện nay.

Ông LÊ HOÀI TRUNG, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo CCHC TP

T.HẰNG ghi

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm