Cái gì gây hại cho dân thì phải lên tiếng

Đặc biệt, người làm công tác phản biện cũng phải có tinh thần dũng cảm, không sợ quyền uy và đừng im lặng cho qua khi biết chủ trương, chính sách đó bất hợp lý”. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, đã phát biểu như thế tại buổi tọa đàm với chủ đề “Đổi mới nội dung phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển” do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức, ngày 31-3.

Theo ông Đặng Văn Khoa - Ủy viên Ủy ban MTTQ TP, quy chế giám sát và phản biện xã hội đã được Bộ Chính trị ban hành mở ra một thời cơ và cũng là một thách thức lớn đối với hệ thống Mặt trận. Nếu hệ thống MTTQ Việt Nam tổ chức thực hiện quy chế trên một cách sâu rộng, mạnh mẽ và nghĩa khí thì chắc chắn sẽ tập hợp, phát huy được trí lực của toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ thành quả của đất nước. “Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là làm sao để mọi người dân vượt qua tâm lý thờ ơ, thụ động, e ngại; phải làm sao để mọi người phấn khích đóng góp, nói lên sự thật, bày tỏ chính kiến về các vấn đề bất hợp lý của xã hội” - ông Khoa nói.

Ở một khía cạnh khác, GS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM đề nghị cần phải phối hợp thực hiện việc giám sát và phản biện một cách hài hòa giữa các thành viên của MTTQ, tránh chồng chéo mà lại không phát huy được tối đa khả năng của mỗi tổ chức. “Mặt trận cần phối hợp với UBND để đề ra mục tiêu, những vấn đề cụ thể để giám sát, sao cho mang lại hiệu quả nhiều nhất” - GS Sơn đề xuất.

MẠNH LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm