Cấm tiệt rượu, bia, phạt nặng còi to

Chiều qua (28-5), Quốc hội (QH) đã thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Với tám chương, 88 điều, dự luật lần này có tới 88,4% số điều luật được sửa đổi hoặc bổ sung. Các đại biểu tranh luận sôi nổi xung quanh quy định mới về nồng độ rượu, bia và giới hạn tuổi tối thiểu của người tham gia điều khiển các loại phương tiện.

Cứ có hơi men là cấm

Về quy định cấm lái xe khi uống rượu, bia, dự luật lần này quy định rất khắt khe. Cụ thể là dự luật cấm: Người điều khiển xe ôtô, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc các chất khác mà pháp luật cấm sử dụng; điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Tuy nhiên, quy định nghiêm khắc trên vẫn chưa làm các đại biểu QH thỏa mãn. Đại biểu Võ Văn Liêm (Vĩnh Long) cho rằng thể trạng của mỗi người là khác nhau, có người uống một chén đã say nhưng có người uống một lít rượu cũng chưa say. “Vì vậy, nên quy định đã lên xe thì không được uống rượu” - ông Liêm đề xuất. Đồng tình với ý kiến này, ông Dương Hiền (Lạng Sơn) phân tích: “Quy định nồng độ cồn thì người ta vẫn cứ uống. Mà khi đã uống rồi thì làm sao điều khiển được nồng độ cồn là bao nhiêu. Tôi đề nghị đã lên xe thì nghiêm cấm sử dụng bia rượu”.

Điều phân vân duy nhất theo ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh (cơ quan thẩm tra dự án luật), thì một số ý kiến cho rằng quy định trên thiếu khả thi. Lý do được đưa ra là tập quán uống rượu, bia còn phổ biến, trong khi đó người và phương tiện xác định nồng độ cồn còn thiếu, nhiều phương tiện không đảm bảo độ chính xác. Bác bỏ lập luận này, đại biểu Võ Đình Tiến (Bình Phước) đề nghị cứ nghiêm cấm rồi dần dần tập quán sẽ được khắc phục.

Nâng độ tuổi của lái xe khách

Theo dự án luật, tuổi tối thiểu của người lái xe ôtô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi tăng từ 21 tuổi (theo quy định hiện hành) lên 24 tuổi. Tuổi tối thiểu của người lái xe trên 30 chỗ được nâng từ 25 lên 27. Đối với người lái xe tải kéo rơ-moóc thì nâng từ giấy phép lái xe hạng C (21 tuổi) lên giấy phép lái xe hạng FC (24 tuổi).

Đồng tình với nguyên tắc phải nâng cao độ tuổi tối thiểu của lái xe nhưng hầu hết ý kiến phát biểu đều muốn nâng cao hơn nữa. “Người điều khiển phương tiện vừa phải có trình độ vừa phải đủ độ chín của tuổi tác. Tôi đề nghị cần quy định người lái xe từ 10 chỗ trở lên phải tốt nghiệp THCS. Người lái xe 30 chỗ trở lên tối thiểu phải 30 tuổi” - ông Hà Sơn Nhin (Gia Lai) đề nghị. Các đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), Bùi Tuyết Minh (Kiên Giang) ủng hộ ý kiến này. Tuy nhiên, bà Minh cho rằng cơ quan soạn thảo cần thống kê các vụ tai nạn giao thông từ xe khách, qua đó đưa ra số liệu về tỷ lệ giữa độ tuổi lái xe và số vụ tai nạn để làm căn cứ cho QH quyết định.

Không thể vô tư đào đường

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ vào luật. Theo bà Nguyệt thì “anh” điện, nước không thể cứ vô tư đào, xẻ rãnh làm xuống cấp đường và gây ách tắc giao thông. Khi sửa đường, các đơn vị thi công phải công khai thông tin về việc sửa chữa như sửa thế nào, vào thời gian nào, mất bao nhiêu thời gian... để người tham gia giao thông biết. Cùng ý kiến với bà Nguyệt, ông Võ Văn Liêm bức xúc: “Tôi thấy nhiều nơi đường mới làm xong đã bị người ta đào lên đặt ống, đặt cáp, rồi lại đào lên trồng cây xanh... Nếu luật không quy định trách nhiệm trong phối hợp, không đưa ra chế tài xử phạt thì người ta vẫn cứ vô tư đào”.

Đáng lưu ý là dự luật sửa đổi lần này cũng đưa ra nhiều quy định mới như phạt nặng hành vi lắp đặt, sử dụng còi không đúng chủng loại cho phép, các loại đèn sai thiết kế gây ảnh hưởng xấu đến an toàn giao thông. Việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm và cài đúng quy cách đối với người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, ba bánh và xe gắn máy cũng đã được bổ sung vào dự luật.

Trao đổi bên lề cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết đối với việc báo chí nêu về tải trọng cầu Đồng Nai, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm việc kiểm soát tải trọng các xe qua cầu. Tuy nhiên, phải tránh tất cả các phiền hà, càng không thể tự tiện đặt ra cơ chế xin-cho trái với quy định chung. Bộ đang chỉ đạo Cục Đường bộ kiểm tra, nếu có tình trạng gây phiền hà cho lái xe thì sẽ xử lý theo đúng pháp luật. Xe siêu trường, siêu trọng chỉ bị kiểm tra trong những trường hợp đặc biệt, còn “anh” tự đặt ra cơ chế riêng thì không được.

Đừng biến Việt Nam thành “bãi rác công nghệ

Sáng qua (28-5), Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Công nghệ cao. Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cho rằng dự luật cần bổ sung quy định về thẩm định và thẩm quyền phê duyệt nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cao. “Tùy theo quy mô, kinh phí dự án mà phân cấp thẩm quyền phê duyệt cho Chính phủ hoặc cấp tỉnh. Tránh việc nhập tràn lan, kém hiệu quả, thậm chí nhập cả công nghệ, thiết bị lạc hậu, biến nước ta trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới” - bà Hoa nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Trí (Tiền Giang) chỉ ra mâu thuẫn: Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thường có chung nhận định “sản xuất kinh doanh bị hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu là do công nghệ cao của nước ta chưa phát triển”. Ấy thế nhưng kinh phí hàng năm chi cho lĩnh vực khoa học công nghệ lại không được sử dụng hết, phải hoàn lại cho ngân sách!

Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) phân tích hiện nay, lực lượng tham gia công nghệ cao rất lớn, gồm các vụ, viện nghiên cứu, các trường đại học... Tuy nhiên, hoạt động ở những nơi này vẫn mang nặng tính hành chính, làm việc tám giờ/ngày và chỉ bằng động lực tiền lương, không có động lực thị trường. Ông Dung đề xuất cần có cơ chế chuyển những đơn vị này sang các doanh nghiệp khoa học công nghệ cao. “Có như vậy thì các viện nghiên cứu mới gắn với thị trường, mới biết cần nghiên cứu cái gì để bán được và bán cho ai được nhiều tiền nhất” - ông Dung nói.

ĐỨC MINH

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm