Cần chế tài nếu không cung cấp thông tin

Trì hoãn cung cấp thông tin, làm gì được nhau?

Nhà báo lão thành Hữu Thọ nói: “Để thông tin được đa dạng, nhiều chiều, người làm báo phải có trách nhiệm cung cấp thông tin từ nhiều nguồn. Trong đó nguồn quan trọng nhất là từ cơ quan công quyền. Thế nhưng theo cảm nhận của tôi, cơ quan công quyền ở bất kỳ nước nào cũng không muốn cung cấp thông tin”.

Ông Thọ cho biết ngay từ năm 1947, Hồ Chủ tịch cũng đã nhắc đến “sự im lặng đáng sợ” của các cơ quan công quyền lúc bấy giờ. Tức là từ khi đó, các nhà báo đã gặp phải sự-im-lặng-đáng-sợ. Ông nói tiếp: “Cần có một phương pháp luận khác khi xây dựng dự án Luật Tiếp cận thông tin. Còn cầu toàn, chờ đầy đủ công cụ, đầy đủ dữ liệu thì “kiếp sau mới có luật””.

Cần chế tài nếu không cung cấp thông tin ảnh 1

Các nhà báo đang đợi lấy thông tin tại một phiên tòa. Ảnh minh họa: HTD

“Đọc dự luật lần này, tôi vừa mừng vừa chưa yên tâm. Mừng vì trong luật đã đề cập thời hạn cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp thông tin cho người có yêu cầu. Chưa yên tâm vì chưa nói rõ lý do trì hoãn, từ chối. Mà trên đời có hàng trăm, hàng ngàn lý do. Giám sát việc trì hoãn, từ chối này thế nào? Nếu sử dụng cơ chế nội bộ kiểm soát nhau sẽ không bao giờ kiểm soát được vì không ai tự phô ra cái kém của mình. Còn nếu lập một cơ quan riêng thì phức tạp” - nhà báo Hữu Thọ nói.

Báo chí cũng giám sát quyền tiếp cận thông tin

Theo dự luật, người nào có hành vi hủy hoại, làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ, tài liệu với mục đích cản trở việc tiếp cận thông tin, không cung cấp thông tin, cố tình trì hoãn việc cung cấp thông tin thì tùy mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổng biên tập báo Tiền Phong Đoàn Công Huynh dẫn lại câu chuyện giữa tuần trước tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng với giới luật sư. Lúc ấy, các luật sư có nêu: Làm thế nào luật sư có thể tiếp cận thông tin để tham gia hiệu quả vào tố tụng hình sự? “Ở đây, ai giỏi hơn luật sư trong việc tự bảo vệ họ? Ai giỏi hơn luật sư trong việc vận dụng luật? Vậy mà họ cũng không tiếp cận được thông tin thì dân và nhà báo tôi e là khó. Vì thế, dự luật cần bổ sung thật sắc nét chế tài khi không thực hiện việc cung cấp thông tin”.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Trung cho rằng cần đề cập đến vị trí, trách nhiệm của báo chí cao hơn trong Luật Tiếp cận thông tin. Dự luật đã xác định báo chí là một phương tiện để công bố công khai, rộng rãi thông tin nhằm mục đích bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, lợi ích cộng đồng... vẫn chưa đủ. “Cần xác định thêm trách nhiệm của báo chí trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân. Thực tế rất nhiều trường hợp công dân yêu cầu cung cấp thông tin qua cơ quan báo chí vì bản thân họ không biết phải liên hệ ở đâu. Từ đó có thể bổ sung vào dự luật hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu báo chí và nên giao cho báo chí trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin...".

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm