Cần giữ lại quy định về điều kiện bắt người

Ngày 6-3, tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP Cần Thơ, góp ý về Điều 22 dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992, ý kiến đại biểu cho rằng điều này đã bỏ mất một ý rất quan trọng của Điều 71 HP hiện hành là “không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của VKSND, trừ trường hợp tội phạm bắt quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”. Theo đó, đại biểu yêu cầu phải khôi phục lại quy định này trong HP sửa đổi. Nếu không, quyền con người sẽ bị vi phạm, dẫn đến nguy cơ bất kỳ ai cũng có thể bị bắt mà không cần lý do, không cần các thủ tục pháp lý, sẽ không có nhà nước pháp quyền và công dân sẽ không được bảo vệ.

Các đại biểu cũng nhận xét Điều 21 dự thảo quy định “mọi người có quyền sống” là quy định mới, tiến bộ. Tuy nhiên, cần làm rõ quyền sống này có bao gồm việc sẽ không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm không. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng có quyền sống mà không có quyền quyết định về quyền sống của mình thì chưa đủ. Bởi trong một số hoàn cảnh cụ thể như bệnh tật nặng không còn khả năng sống, con người muốn kết thúc sự sống của mình để nhẹ nhàng cho bản thân và gia đình thì pháp luật lại không cho phép. Trong khi Điều 22 dự thảo quy định “mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác”. Do đó đề nghị bổ sung Điều 21 là “mọi người đều có quyền sống và quyết định sự sống của mình”.

Cùng ngày, Khối Thanh niên (thuộc CLB Truyền thống Kháng chiến TP.HCM) tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo HP sửa đổi. Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TP Lê Công Giàu cho rằng cơ chế của ta chưa thực sự kiểm soát được quyền lực cũng như hạn chế sự lạm quyền. “HP sửa đổi lần này phải hết sức chú trọng vấn đề kiểm soát để giới hạn lại quyền lực. Đây là “bộ thắng” đảm bảo sự vận hành an toàn của cả “một đoàn tàu”. Một khi “bộ thắng” đó không đảm bảo thì sẽ gây ra nhiều hệ quả khó lường và người dân sẽ nghi ngại khi cùng đi trên con tàu ấy” - ông Giàu nói.

Đồng quan điểm, GS-TS luật học Nguyễn Vân Nam nhấn mạnh: Mục đích quan trọng của HP là đảm bảo kiểm soát và cân bằng quyền lực nhằm đảm bảo sự bình đẳng, quyền tự do của công dân, quyền con người trước khả năng lạm dụng quyền lực. Trong đó, sự độc lập trong xét xử của tòa án đóng vai trò quyết định để đảm bảo tính cân bằng, kiểm soát và giới hạn quyền lực nhà nước. Đồng thời, việc hình thành một cơ quan bảo hiến đúng nghĩa (độc lập với các nhánh quyền lực khác và có quyền tài phán) sẽ đảm bảo cho các giá trị của HP về vấn đề này được thực thi một cách cao nhất.

Việc lấy ý kiến cơ bản thành công

Theo plo.vn, ngày 6-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết thi hành HP năm 1992 của Chính phủ, đã chủ trì hội nghị trực tuyến về việc lấy ý kiến đối với dự thảo sửa đổi HP. Theo ông Phúc, đến thời điểm này, việc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi HP đã cơ bản thành công, đạt mục đích và yêu cầu đề ra. “Đây thực sự là cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đồng bào trong và ngoài nước” - ông Phúc nói.

Phó thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị cần tranh thủ sự góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý. Các bộ, ngành địa phương duy trì tiếp nhận ý kiến nhân dân để góp phần hoàn thiện dự thảo sửa đổi HP cho đến khi được thông qua vào cuối năm 2013.

TTH

NHẪN NAM - M.CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm