KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Cần kích tổng cầu để GDP tăng 5,5%

“Do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 có khả năng đạt được nên trong những tháng còn lại của năm 2013, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% như nghị quyết của Quốc hội đề ra” -Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm trong báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội trình bày trước Quốc hội (QH), ngày 20-5.

Rất khó đạt mục tiêu

Nhận định về tình hình kinh tế-xã hội, trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, nhiều khó khăn thách thức còn hiển hiện, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục gặp khó khăn; việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu chậm được giải quyết; tồn kho hàng hóa và bất động sản còn lớn; số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng; việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn”.

Cần kích tổng cầu để GDP tăng 5,5% ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước QH, cũng nhận định còn nhiều hạn chế, yếu kém khi mặt bằng lãi suất cho vay còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp, DN khó tiếp cận được nguồn vốn. Thị trường bất động sản thanh khoản kém, phục hồi chậm. Trong bốn tháng đầu năm có khoảng 3.000 DN giải thể, 16.600 DN ngừng hoạt động, số lượng DN thành lập mới cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ… Theo Chính phủ, nếu những khó khăn trên không được giải quyết thì khả năng tăng trưởng GDP đạt 5,5% như mục tiêu QH đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn.

Nhìn nhận ở góc độ cơ quan thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2013 tăng 4,89% là thấp hơn nhiều so với quý I-2011 (tăng 5,53%) và quý I-2010 (tăng 5,84%). Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý I-2013 chỉ đạt 4,93% là mức tăng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây. Tình trạng này đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống kinh tế-xã hội. Cá biệt, “tình trạng thiếu đói cục bộ xuất hiện ở một số địa phương, đáng chú ý là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay.

Kích tổng cầu để tăng GDP

Để khắc phục những hạn chế trên và hoàn thành được các chỉ tiêu mà QH giao, theo ông Phúc, Chính phủ xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm lãi suất hợp lý, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 12% cả năm 2013. Song song đó, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tiếp tục ổn định thị trường vàng, huy động nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế. Các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương) sẽ phải tiết kiệm thêm 10% và tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí hội nghị, tiếp khách, lễ hội, khánh tiết, đi công tác trong nước và nước ngoài. Các chính sách thuế, phí, lệ phí, các thủ tục đăng ký kinh doanh, tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản... sẽ được rà soát, cải cách để góp phần phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tán thành với các giải pháp trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có thêm những giải pháp mạnh hơn nhằm giảm hàng hóa tồn kho và giảm nợ xấu, các giải pháp cụ thể để DN có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý và các giải pháp hỗ trợ, khai thông thị trường bất động sản theo chủ trương đã ban hành. Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế; đồng thời có phương án xử lý nhanh các khoản nợ đọng, đặc biệt là nợ đọng đối với DN trong xây dựng cơ bản. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tổng cầu với liều lượng thích hợp.

Thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc

Theo báo cáo của Chính phủ, xuất khẩu của cả nước năm 2012 tiếp tục tăng trưởng ở mức khá cao, với tổng kim ngạch đạt 114,57 tỉ USD, tăng 18,2% so với năm 2011. Trong đó, EU là thị trường lớn nhất chiếm tỉ trọng 17,7%, Hoa Kỳ là 17,2%, ASEAN 14,9%, Nhật Bản 11,4%, Trung Quốc chỉ chiếm tỉ trọng 10,8%. Trái với con số trên, nhập khẩu năm 2012 từ Trung Quốc lại chiếm tỉ trọng 25,3%, ASEAN là 18,2%, Hàn Quốc 13,7%, Nhật Bản 10,2% và EU chỉ là 7,7%.

Nhận định về vấn đề trên, Ủy ban Kinh tế cảnh báo thâm hụt thương mại với Trung Quốc hiện đang là rất lớn. Giá trị nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 16,7 tỉ USD, phần lớn tập trung vào các mặt hàng nguyên phụ liệu, linh kiện lắp ráp, gia công và các máy móc thiết bị phục vụ xuất khẩu.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm