Cấp số định danh cá nhân vẫn chưa thống nhất

Chứng minh nhân dân (CMND), thẻ bảo hiểm y tế, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… và rất nhiều giấy tờ cá nhân khác đang làm nặng ví hồ sơ của mỗi người dân. Tất cả giấy tờ này sẽ được số hóa thành số định danh cá nhân (SĐDCN). Dự kiến đến năm 2020, toàn bộ công dân sẽ có SĐDCN. Nội dung này đã được Bộ Tư pháp đề ra trong Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia liên quan đến quản lý dân cư (gọi tắt là đề án tổng thể).

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên lề hội thảo lấy ý kiến cho đề án này vào chiều 26-3, ông Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký cư trú và quản lý dân cư, Bộ Công an, cho rằng việc có thêm đề án tổng thể này là chồng chéo vì Bộ Công an đang thực hiện một dự án tương tự.

Bộ Công an: Không cần thêm đề án mới

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp, cho biết SĐDCN không phải là vấn đề mới. Bởi lẽ việc này đã được đề cập trong Nghị định 90/2010 về CSDL quốc gia về dân cư và Bộ Công an đã xây dựng dự án thực hiện. Trong đó Bộ Công an thực hiện thí điểm cấp CMND theo công nghệ mới gồm 12 số có vai trò là SĐDCN (mã số công dân). “Tuy nhiên, SĐDCN này chỉ được quy định tại thông tư của Bộ Công an nên cần phải quy định tại một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để khẳng định giá trị pháp lý của SĐDCN và làm cơ sở cho nhiều ngành khác sử dụng. Mặt khác, có ý kiến cho rằng SĐDCN cần được cấp cho công dân từ khi sinh ra và theo công dân đến khi chết nên việc quy định SĐDCN tại Luật Hộ tịch (như trong đề án của Bộ Tư pháp nêu - PV) là hoàn toàn hợp lý” - ông Phan lý giải.

Cấp số định danh cá nhân vẫn chưa thống nhất ảnh 1

Ông Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký cư trú và quản lý dân cư, Bộ Công an, cho rằng không nên xây dựng thêm đề án như Bộ Tư pháp đang làm. Ảnh: NPN

Tuy nhiên, ông Dung cho biết khi xây dựng Nghị định 90/2010 thì các bộ, ngành đã thống nhất chọn 22 dữ liệu thông tin về công dân để dùng chung, trong đó có vấn đề cấp mã số công dân. Trên cơ sở xây dựng dự án CSDL quốc gia về dân cư cùng với việc thí điểm cấp mã số công dân đã triển khai, các bộ đã góp ý hoàn chỉnh để cuối năm ban hành triển khai thí điểm. “Bộ Công an đã có báo cáo gửi Chính phủ đề nghị không nên chỉ đạo Bộ Tư pháp làm đề án tổng thể nữa mà trên cơ sở đề án của Bộ Công an đang xây dựng để bổ sung, sửa chữa hoàn chỉnh trình Chính phủ ban hành. Nếu bây giờ làm đề án tổng thể thì sẽ tạo ra hai hệ thống, tốn kém tiền của dân, của Chính phủ” - ông Dung nói.

Bộ Tư pháp: Làm theo yêu cầu của Thường vụ QH

“Cùng một dữ liệu của công dân mà Chính phủ đã quy định tại Nghị định 90, dùng chung rồi giờ lại có thêm một cái tổng thể nữa thì rõ ràng chồng chéo. Chúng tôi cũng xác định điều đó rất nhiều lần và có văn bản đàng hoàng” - ông Dung khẳng định.

Tuy nhiên, ông Phan cho hay: “Dự thảo đề án tổng thể xác định SĐDCN cấp cho công dân chính là số CMND mới mà Bộ Công an đã thí điểm tại Công an TP Hà Nội và công an các quận Hoàng Mai, Tây Hồ, huyện Từ Liêm. Đề án cũng không đề xuất xây dựng CSDL quốc gia về dân cư mới mà đưa ra yêu cầu điều chỉnh việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Vì vậy việc này cần sự phối hợp cả ngành công an và tư pháp”.

Ông Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Hành chính-Tư pháp, Bộ Tư pháp, cung cấp thêm: “Một đại biểu trong Ủy ban Thường vụ QH từng nói: Trong túi có 12 thẻ nhưng khi có việc thì không thẻ nào đầy đủ thông tin cả. Hộ khẩu cũng liên quan đến con người, CMND cũng liên quan đến con người,… Vậy đề nghị Chính phủ xây dựng đề án để đơn giản TTHC, giấy tờ công dân để 12 thẻ còn một thẻ nhưng đầy đủ. Việc xây dựng đề án này không phải tự nhiên Bộ Tư pháp có sáng kiến trình Chính phủ mà xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ QH”.

Theo ông Thất, nhiều CSDL mà trùng lắp thì sẽ lãng phí và làm khổ dân. Cũng như có ba cái đồng hồ, có cái chạy sai, có cái chạy đúng cuối cùng không biết cái nào đúng. Vì vậy, việc cấp SĐDCN không phải câu chuyện một ngành làm được mà cần sự phối hợp.

Theo ông Phan, cần có ban chỉ đạo để thực hiện đề án tổng thể này, trong đó có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành mà cốt lõi là Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Trong khi đó, ông Dung cho rằng: “Nếu cần một tổng công trình sư, đề ra ban chỉ đạo thì Bộ Công an phải làm thường trực vì 2/3 công việc cấp SĐDCN thuộc Bộ Công an”.

Số định danh cá nhân được bảo mật

Trước băn khoăn về tính bảo mật thông tin cá nhân khi cấp SĐDCN, ông Ngô Hải Phan cho biết bảo mật thông tin cá nhân là một trong những nguyên tắc được đề ra trong đề án này. Chỉ bản thân người có SĐDCN mới truy cập được đầy đủ thông tin của họ. Tùy từng lĩnh vực, bằng các phương tiện kỹ thuật hệ thống sẽ mã hóa thông tin cần thiết để cung cấp thông tin cho người cần khai thác. Giải đáp lo ngại về tính khả thi của đề án khi thực hiện tại các vùng sâu, vùng xa ông Phan cũng cho hay bất cứ nơi nào có Internet đều có thể truy cập được. Cho nên việc trang bị công nghệ thông tin sẽ là một bước đi trước của đề án này.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm