Cầu truyền hình Ký ức 27 tháng 7

Chủ đề xuyên suốt tại điểm cầu TP.HCM là vùng đất thép Củ Chi, nơi lưu danh gần 45.000 liệt sĩ.

Tại điểm cầu Quảng Nam, điểm nhấn là cuộc gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, trong đó có các chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, những người làm nên trận thắng Núi Thành ngày 25-5-1965, mở đầu cho phong trào Tìm Mỹ mà đánh trên toàn miền Nam.

Điểm cầu Tây Ninh gắn với chủ đề bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và sự hy sinh cao quý của bộ đội tình nguyện Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Điểm cầu Hà Tĩnh là hình ảnh anh hùng của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc. Bên cạnh đó, các cầu truyền hình khác như Lý Sơn, Côn Đảo, Trường Sa gắn với chủ đề bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Cầu truyền hình Ký ức 27 tháng 7 ảnh 1

Tiết mục mang ý nghĩa các chiến sĩ bám đảo, giữ đảo tại buổi tổng duyệt chương trình Cầu truyền hình Thái Nguyên. Ảnh: HÀ THẮNG

Sáng cùng ngày, hơn 100 thân nhân gia đình liệt sĩ TNXP, cựu TNXP cùng đội viên TNXP của TP.HCM đã đến dâng hương Khu tưởng niệm Liệt sĩ TNXP ở xã Long Phước, huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Khu tưởng niệm có 99 cán bộ, đội viên TNXP TP.HCM đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam vào tháng 4-1977.

Sáng 22-7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ khánh thành công trình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành giao thông vận tải hy sinh trong kháng chiến tại Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc). Công trình gồm đài tưởng niệm cao gần 10 m; 14 bia ghi danh hơn 840 liệt sĩ… với tổng mức đầu tư hơn 14 tỉ đồng. Dịp này, tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân và kỷ niệm 44 năm ngày Đồng Lộc chiến thắng, 44 năm ngày hy sinh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP (24-7-1968).

Đ.LAM - TRÀ GIANG - ĐÌNH DƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm