Chạy chức, chạy quyền là phổ biến

Trên hai số trước, diễn đàn này đã giới thiệu ý kiến phê phán cách Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lô Ích Giang và Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Võ Thanh Bình công khai hoặc sử dụng tiền quà tặng đã nhận. Có ý kiến lại đồng tình, khuyến khích và cho rằng không nên quá khắt khe với họ vì nếu không thì sau này ai dám trình báo nữa. Kỳ này, Báo Pháp Luật TP.HCM giới thiệu hai ý kiến về một khía cạnh khác: Có hay không nạn biếu xén lãnh đạo để “chạy chức” ở các nơi khác?

Chỉ có bị lộ hoặc không bị lộ

. Ông bình luận gì về sự kiện ông Lô Ích Giang công khai nhận quà biếu để làm từ thiện?

Chạy chức, chạy quyền là phổ biến ảnh 1+ Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Chúng ta luôn hướng tới nguyên tắc sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật nhưng pháp luật lại chưa ăn sâu vào đời sống. Tôi không dám quy kết cá nhân ông Giang ở góc độ hành vi đạo đức. Nhưng rõ ràng là ông đã ứng xử không tương xứng với tư cách của một vị lãnh đạo tỉnh, một người hơn ai hết phải thực thi đúng pháp luật. Điều này thể hiện sự buông lỏng quản lý của chính các cơ quan pháp luật. Tại sao những vấn đề nảy sinh như thế không được phát hiện, điều chỉnh, mà sự điều chỉnh này mới chính là để bảo vệ cán bộ của mình.

. Từ chuyện ông Lô Ích Giang và ông Võ Thanh Bình công khai việc nhận quà biếu, các cơ quan cấp cao hơn cần phải ứng xử thế nào?

+ Ở góc độ cá nhân thì họ phải chịu sự xử lý nghiêm bởi các quy định hiện hành của pháp luật. Nhưng điều quan trọng là phải tạo ra thiết chế giám sát và làm sao đó để thiết chế đó vận hành. Ông bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời báo chí cứ nói rằng “sẽ cho kiểm tra”. Lẽ ra ông ấy phải kiểm tra và phát hiện trước chứ vì ông ấy nắm công cụ trong tay kia mà. Điều này nói lên rằng bộ máy kiểm tra của ông ấy hoạt động không hiệu quả.

. Nhiều tỉnh, thành giàu hơn Cao Bằng lại hiếm thấy trình báo về việc nhận quà biếu. Ông bình luận vấn đề này thế nào?

+ Tôi cứ bình luận theo kiểu dân gian là chỉ có bị lộ hoặc không bị lộ mà thôi. Tôi nhớ lại câu chuyện cách đây khá lâu rồi, ông chủ tịch TP Hà Nội (ông Hoàng Văn Nghiên - PV) mang bạc tỷ đến trình báo. Nhưng các năm sau đó không thấy ông ấy trình báo và nộp lại quà biếu nữa, dân gian đặt câu hỏi là phải chăng đã hết nạn biếu xén rồi? Nhưng chắc chắn là không phải.

Tỉnh nghèo cả tỷ, tỉnh giàu phải nhiều hơn

. Ông nghĩ gì trước việc bí thư tỉnh Cà Mau nộp lại 100 triệu đồng được cho là tiền “chạy chức” và chủ tịch tỉnh Cao Bằng nhận quà biếu cả tỷ đồng để làm từ thiện?

Chạy chức, chạy quyền là phổ biến ảnh 2+ Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng: Hai sự việc này chỉ như giọt nước làm tràn ly. Lâu nay ai cũng biết rằng chuyện chạy chức, chạy quyền là phổ biến nhưng không ai có bằng chứng. Khi nghe tin bí thư tỉnh Cà Mau nộp 100 triệu đồng thì có người cười cho và bảo là có khi nhiều hơn chứ đâu phải 100 triệu đồng vì đâu phải chỉ một người tặng quà. Có người viết thư cho tôi nói là “Cháu mất gần 100 triệu đồng mới xin được việc làm ở cơ quan nhà nước”. Tôi bảo với bạn ấy hãy gửi cho tôi bằng chứng, tôi sẽ làm đến nơi nhưng sau đó bạn ấy trả lời tôi rằng “cháu làm như thế thì vừa mất việc vừa phải tù”. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần sửa luật theo hướng đương nhiên miễn tố đối với những người buộc phải đưa hối lộ mà tự nguyện tố cáo với cơ quan chức năng. Chứ để như thế này thì không ai tố ai cả.

. Chủ tịch tỉnh Cao Bằng nhận tiền làm từ thiện là không đúng luật. nhưng có nên thông cảm cho việc làm thật thà của ông ấy không?

+ Tôi nghĩ là ông ấy không hiểu pháp luật. Có thể là ông ấy không tham nhũng nhưng ông ấy kém hiểu biết quá. Nếu nhận thức về pháp luật như thế thì ông ấy không nên làm lãnh đạo.

. Dù sao dư luận cũng cho rằng việc ông Lô Ích Giang làm còn tốt hơn nhiều ông khác nhận quà nhưng không khai báo...

+ Câu hỏi đặt ra là các vị khác thì sao? Chắc các vị ấy phải tự suy nghĩ. Cái tỉnh nghèo như Cao Bằng mà chủ tịch tỉnh nhận quà công khai mỗi năm lên đến mấy trăm triệu đồng thì chuyện quan chức đầu tỉnh khác mỗi năm nhận quà lên đến hàng tỷ đồng là chuyện có thật.

. Xin cám ơn hai ông.

LÊ KIÊN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm