Chỉ nên trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước?

Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng trong phạm vi địa phương thì không thực hiện trưng cầu ý dân mà áp dụng lấy ý kiến của dân theo quy định pháp luật hiện hành.

Nội dung trưng cầu ý dân bao gồm Hiến pháp, các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và nền dân chủ XHCN; các vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội (Điều 6 dự thảo luật). Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng cần bổ sung thêm vấn đề về văn hóa trong nội dung trưng cầu ý dân. Bên cạnh đó, số đông đại biểu cho rằng không cần thiết phải có khoản 5 mở rộng ra những vấn đề khác mà luật pháp chưa dự liệu được.

Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, các đại biểu tán thành với quy định bao gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Liên quan đến hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, các đại biểu cho rằng dự thảo quy định ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu ý dân mới hợp lệ (Điều 48) là con số khó triển khai trong thực tế. ThS Đinh Thị Cẩm Hà (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho hay: “Các nước trên thế giới cũng không dám kỳ vọng tất cả người dân đều đi trưng cầu. Nếu không đạt được con số ba phần tổng số cử tri đi bầu nghĩa là cuộc trưng cầu ý dân bị hủy. Bao công sức, vật chất của các tổ chức trong xã hội bỏ ra cho cuộc trưng cầu ý dân cuối cùng lại không thu được kết quả gì. Vì vậy, tôi nghĩ nên sửa thành con số 2/3 là hợp lý!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm