Chính phủ điện tử: Cải cách hành chính phải đi trước

Trong suốt gần hai ngày diễn ra hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử lần 7 (16 và 17-7), hầu hết các ý kiến đều thống nhất: Không thể xây dựng một chính quyền điện tử nếu không song song cải cách hành chính (CCHC) với phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Bởi “Hai lĩnh vực này như đôi chân của chính quyền điện tử” như đánh giá của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.

Phần mềm luôn phải chạy theo văn bản

Lấy ngay việc thay đổi các văn bản pháp luật trong lĩnh vực nhà đất, ông Tuấn nói: Quy trình hành chính còn nhiều bất cập sẽ là bước cản trở rất lớn cho việc xây dựng các phần mềm phục vụ cho các dịch vụ công hiện nay. “Cứ nghĩ xem, địa phương chúng tôi đang làm theo Nghị định 60 thì Nghị định 181 ra đời. Chúng tôi đang điều chỉnh phần mềm để thích ứng với nghị định này thì Nghị định 90 hướng dẫn Luật Nhà ở ra đời. Chúng tôi đang theo Nghị định 90, làm phần mềm nửa chừng thì sắp tới lại thay đổi còn một giấy. Thật khó!”. Cũng theo ông Tuấn, việc cần thiết hơn nữa là Ban chỉ đạo CCHC và bộ phận ứng dụng CNTT nên hợp nhau làm một để phối hợp chặt chẽ hơn trong việc xây dựng chính quyền điện tử.

Kiểm tra tình trạng hồ sơ bằng mã vạch được ứng dụng rộng rãi ở TP.HCM. (Ảnh chụp tại phòng tiếp nhận và trả hồ sơ UBND quận 5, TP.HCM). Ảnh: HTD
Kiểm tra tình trạng hồ sơ bằng mã vạch được ứng dụng rộng rãi ở TP.HCM. (Ảnh chụp tại phòng tiếp nhận và trả hồ sơ UBND quận 5, TP.HCM). Ảnh: HTD

Đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nhìn nhận: CCHC phải đi trước một bước. Ông Hồng cho hay hiện có một tổ chuyên môn được phân ra để rà soát hàng chục ngàn thủ tục hành chính. Việc xây dựng chính phủ điện tử thống nhất từ trung ương đến địa phương phải hoàn tất quá trình rà soát này thì mới có thể tin học hóa, chỉnh sửa lại toàn bộ quy trình.

Tâm lý ngại dùng dịch vụ điện tử

Mục tiêu cần đạt được của chính quyền điện tử là mang lại sự tiện ích nhất cho người dân trong tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ công. Tuy nhiên, dân còn rất ngại sử dụng dịch vụ điện tử. Ông Nguyễn Đình Đỉnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng, nói: Thậm chí có những dịch vụ đã được xây dựng rất cụ thể trên mạng điện tử nhưng dân vẫn thích cầm giấy đến cán bộ và dù có nói với họ thế nào thì họ vẫn muốn làm bằng giấy.

GS-TSKH Đỗ Trung Tá, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CNTT quốc gia, cung cấp một thông tin đầy bất ngờ, đó là không chỉ người dân không mặn mòi việc sử dụng dịch vụ điện tử mà ngay cả cán bộ cũng vậy. Thậm chí “có những thứ trưởng hiện nay chưa biết dùng thư điện tử, chưa có cả dịch vụ thư điện tử”.

Theo GS-TSKH Đỗ Trung Tá, mọi ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử cần phải bắt nguồn từ nhu cầu và tiện ích cho người dân. Do đó, chính quyền cần chọn lĩnh vực nào dân cần thì làm trước để hút việc sử dụng.

Điều này thể hiện khá rõ trong việc xây dựng chính quyền điện tử ở TP.HCM. Ông Nguyễn Anh Tuấn minh chứng bằng việc xây dựng hệ thống kiểm tra tình trạng hồ sơ bằng mã vạch của TP. Ban đầu TP có xây dựng một phần mềm để gõ số mã vạch. Nhưng khi đưa vào ứng dụng thì rất ít người dùng, vì không phải ai cũng biết gõ. “Thế là chúng tôi lại xây dựng phần mềm quét mã vạch, dân chỉ cần quét mã vạch hồ sơ là có thể thực hiện dịch vụ. Rất tiện. Hiện nay dịch vụ này được triển khai khá rộng và được người dân sử dụng nhiều”. Hay như việc đăng ký kinh doanh qua mạng, ban đầu chỉ có 11%, rồi 13%, đến bây giờ đã có gần 70% hồ sơ đăng ký trực tuyến.

Hiện nay hầu như địa phương nào cũng triển khai rất nhiều chương trình ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, quản lý nhà nước: trang thông tin điện tử, văn phòng điện tử, thư điện tử, một cửa điện tử... Tuy nhiên, cái khó là các chương trình trên còn phân tán, mang tính riêng lẻ, ngay cả TP.HCM là một địa phương mạnh về khoa học công nghệ, tiềm lực tài chính nhưng cũng không ngoại lệ - như nhìn nhận của ông Tuấn. Cho nên việc thực hiện được chính phủ điện tử nói như GS-TSKH Đỗ Trung Tá là “còn xa lắm”!

Cán bộ còn “lơ” dịch vụ điện tử

Trong 80% cán bộ, công chức ở cấp bộ và cơ quan thuộc Chính phủ được cung cấp hộp thư điện tử thì chỉ có 47% thường xuyên sử dụng. Ở cấp tỉnh, 43% cán bộ có hộp thư điện tử nhưng có 24% sử dụng.

(Theo ông Phạm Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT)


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Nguyễn Phan

Địa chỉ: Gò Vấp, TP. HCM

Điện thoại: 0838941...

Email: nvphttsc@...

Nội dung:

Theo tôi , máy tính( PC) để bàn hầu ở cơ quan công quyền hầu như chỉ làm được một việc là thay máy đánh chữ trước đây. Muốn thực hiện " Chính phủ điện tử " ( CPĐT) theo đúng nghĩa" phải làm từ gốc. Phải chuẩn hóa tất cả các văn bàn qui phạm pháp luật về quản lý Nhà nước theo TCVN ( nếu có ) từ cấp Quận , TP Bộ Ngành , TW. Phải đầu tư nghiên cứu có tính dài hơi (chiến lược ) giá trị pháp lý của các văn bản qui phạm pháp luật. Tiến tới Luật ra là dùng ngay. Hạn chế và tiến tới bỏ hẳn Nghị định hay thông tư liên Bộ , liên ngành hướng dẫn thi hành luật. Bên cạnh đó phải phổ cập hóa kiến thức về CNTT cho cán bộ công chức NN , Doanh nghiệp NN ( kể cả các tổ chức kinh tế ngoài QD). Khi và chỉ khi đáp ứng điều kiện cần và đủ nói trên mới mong có " CPĐT" !

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm