Chính quyền phải cung cấp thông tin cho dân

Hôm qua (18-2), Ban soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin đã họp phiên thứ hai cho ý kiến về đề cương chi tiết dự luật này. Theo thống kê, hiện nay đã có gần 90 nước trên thế giới ban hành luật liên quan đến quyền tự do thông tin của người dân và hơn 50 nước khác đang xúc tiến soạn thảo. Luật này dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5-2010.

Ai được quyền yêu cầu?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính (Bộ Tư pháp), một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận khi xây dựng dự án luật này chính là phạm vi áp dụng. Do vậy, tổ biên tập đã trình hai phương án. Thứ nhất, luật này áp dụng đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Phương án còn lại bổ sung thêm phạm vi áp dụng đối với Quốc hội, HĐND các cấp, TAND các cấp. Tuy nhiên, ý kiến các thành viên tổ biên tập chủ yếu nghiêng về phương án đầu tiên.

Đa số ý kiến đều nhất trí với đề xuất của tổ biên tập. Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế Dương Đăng Huệ cho rằng luật nên giới hạn phạm vi điều chỉnh ở các cơ quan hành chính nhà nước để bảo đảm tính thực thi. “Hành chính nắm nhiều thông tin nhất, liên quan trực tiếp đến người dân và cũng là nơi đang bị đánh giá là quan liêu nhất...” - ông Huệ nhận xét.

Một vấn đề khác cũng chưa thống nhất được ý kiến, theo bà Thoa, là xác định ai có quyền được yêu cầu cung cấp thông tin. Quan điểm thứ nhất cho rằng mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền được thông tin và yêu cầu được cung cấp thông tin (bao gồm cả người nước ngoài). Quan điểm thứ hai, thể hiện trong dự thảo, là người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, các tổ chức, pháp nhân nước ngoài hoạt động ở Việt Nam có quyền được thông tin với điều kiện thông tin họ yêu cầu phải liên quan đến họ hoặc lĩnh vực hoạt động của họ.

“Giải mã” văn bản mật

Theo đề cương chi tiết, dự luật này sẽ quy định các loại thông tin bắt buộc phải công khai, thông tin có thể được tiếp cận, thông tin không được tiếp cận và thông tin hạn chế tiếp cận. Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 quy định: “Căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của nội dung tin, mức độ nguy hại nếu bị tiết lộ, các tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được chia làm ba mức độ: tuyệt mật, tối mật và mật”. Tuy nhiên, những thông tin nào được coi là tuyệt mật, tối mật và mật thì pháp lệnh không quy định cụ thể. Bà Thoa dẫn chứng, khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh quy định: “Các chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại của ĐCS Việt Nam và nhà nước CHXHCN Việt Nam không công bố hoặc chưa công bố” được xếp vào dạng “tuyệt mật”... “Nếu Luật Tiếp cận thông tin không “giải mã” được vấn đề này thì ngay cả khi được thông qua, luật cũng sẽ không đạt nhiều hiệu quả như mong muốn” - bà Thoa nhấn mạnh.

Đề cương quy định các thông tin bắt buộc phải công khai bao gồm: văn bản QPPL, kể cả quá trình xây dựng soạn thảo, hồ sơ; chính sách, số liệu thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê và những thông tin, tài liệu liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của người dân... Thông tin có thể được tiếp cận là những thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ trong trường hợp thông tin đó là cần thiết cho việc thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích của người dân.

“Cơ quan hành chính trước khi quyết định một vấn đề gì liên quan đến quyền của người dân thì phải cung cấp cho họ biết để họ tự bảo vệ mình. Nếu đặt mục đích như thế thì dự thảo này chưa đáp ứng được” - PGS-TS Nguyễn Đăng Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nhân quyền (Đại học Quốc gia Hà Nội), thẳng thắn nhận xét.

Không cung cấp thông tin cá nhân

Ông Nguyễn Trí Dũng, đại diện của Văn phòng Quốc hội, đề xuất luật này chỉ nên đề cập đến thông tin công. Những thông tin thương mại, dân sự không thuộc luật này điều chỉnh. Tuy nhiên, với những thông tin mà ranh giới phân định mập mờ thì phải được cung cấp khi có yêu cầu. “Những thông tin cá nhân chỉ được cung cấp cho cá nhân đó. Thông tin cá nhân khi bị tiếp cận phải thông báo cho cá nhân đó biết” - ông Dũng nói thêm.

Cũng theo ông Dũng, những thông tin buộc phải công bố thì nên đưa tới một địa chỉ, như trang web, để người dân có thể dễ dàng tiếp cận được theo nguyên tắc: chi phí rẻ, nhanh, không cần danh tính; tiếp cận thông tin ở bất cứ chỗ nào và không ràng buộc trách nhiệm.

Theo ông Dương Đăng Huệ, Luật Tiếp cận thông tin không nên liệt kê những thông tin bị cấm công khai hoặc cấm tiếp cận mà chỉ cần nêu các nguyên tắc (tiêu chí) xác định tính chất thông tin. Trên cơ sở đó, các luật chuyên ngành quy định cụ thể, tránh sự tùy tiện. “Luật này chỉ nên tập trung vào các vấn đề cơ bản như thủ tục cung cấp thông tin, phí cung cấp thông tin và trách nhiệm pháp lý khi cơ quan, tổ chức không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai một cách cố ý” - ông Huệ nói.

Thông tin nào phải bí mật?

Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 chia bí mật nhà nước làm ba mức độ: tuyệt mật, tối mật và mật. Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật có thể kể đến: Chiến lược an ninh quốc gia; kế hoạch phòng thủ đất nước; kế hoạch phát hành tiền; phương án, kế hoạch thu đổi tiền chưa công bố...

Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật gồm: Công trình quan trọng phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo; số lượng tiền in, phát hành; tiền dự trữ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ; các số liệu về bội chi, lạm phát tiền mặt chưa công bố; kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng đặc biệt giữ vị trí trọng yếu không công bố hoặc chưa công bố...

Bí mật nhà nước ngoài phạm vi nêu trên thuộc độ mật.

Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý...

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm