Cho thân nhân nhận xác tử tù sẽ rất phức tạp

Xử bắn hay tiêm thuốc độc?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn số liệu của các nước về hình thức thi hành án tử hình với tử tù: Hiện có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hình thức xử bắn, 70 quốc gia dùng nhiều hình thức khác nhau như treo cổ, ghế điện hoặc gây ngạt... Bà cho rằng việc tiêm thuốc độc là hình thức tử hình ưu việt, nhân đạo.

Cho thân nhân nhận xác tử tù sẽ rất phức tạp ảnh 1

Việc xác định xử bắn hay tiêm thuốc độc cho tử tù còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong ảnh: Một bị cáo vừa bị tòa tuyên án tử hình. Ảnh: HTD

Cũng theo bà Nga, tử hình bằng hình thức xử bắn có tính răn đe cao, phù hợp trong thời điểm chiến tranh nhưng hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng hình thức này. “Ở Việt Nam, chỉ có bảy tỉnh có pháp trường cố định và không một địa phương nào, xã nào muốn bị lấy đất để làm pháp trường. Đây là vấn đề tâm lý. Vì thế, mỗi lần thi hành án lại lặn lội đi cả trăm cây số, không đảm bảo an toàn, an ninh, bí mật trong khi tâm lý của cán bộ, chiến sĩ là buộc phải làm, họ không muốn làm, nhiều khi làm xong về bị ảnh hưởng tâm lý” - bà Nga nói.

Nói về ảnh hưởng tâm lý sau khi làm nhiệm vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nói: “Tôi từng chứng kiến một trường hợp rất đau lòng: Một chiến sĩ công an ở Thanh Hóa làm công tác xử bắn, sau đó bị điên loạn, phải xin ra khỏi ngành”.

Tuy nhiên, ông Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, đồng tình hình thức xử bắn nhưng được thực hiện tự động qua màn che. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, Nguyễn Văn Bé (TP.HCM) cũng ủng hộ hình thức này.

“Tử tù không chết thì làm thế nào”

Phó Giám đốc Công an TP.HCM Lê Thanh Bình phát biểu: “Hình thức tiêm thuốc độc nói thì dễ nhưng triển khai nó như thế nào? Liệu có triển khai ngay được không? Vì thế, tôi đồng tình với việc tồn tại cả hai hình thức xử tử như dự án là xử bắn và tiêm thuốc độc trong giai đoạn trước mắt. Tòa án sẽ cân nhắc việc áp dụng hình thức thi hành án nào. Khi triển khai, Chính phủ phải hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, kể cả chuyện nếu tiêm thuốc độc mà tử tù không chết sẽ giải quyết như thế nào”.

Bà Nga không đồng tình với chuyện có cùng lúc hai hình thức thi hành án tử. “Tồn tại song song hai hình thức thì vẫn phải bố trí cán bộ, phương tiện, pháp trường... Nếu chuyển thì chuyển hẳn, dứt điểm một loại mà thôi” - bà Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng không thể tồn tại cùng lúc hai hình thức. “Án tử hình là rơi rớt của tư tưởng nợ máu trả bằng máu. Án tử hình văn minh là tìm bạn trong thù. Nếu duy trì, quan điểm của tôi là dùng thuốc độc. Vấn đề là ai tiêm? Cách làm thế nào cũng phải bàn kỹ lưỡng” - ông Thuận kết luận.

Nên hỏa táng xác tử tù

Hai vị phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đều đồng tình với đề xuất của dự thảo: Cho phép thân nhân nhận thi hài, hài cốt, tro cốt của tử tù để bảo đảm tính nhân đạo. Hơn nữa, việc này thuộc về quyền của người thân người phải thi hành án.

Ông Ngưu cũng lưu ý tới thực trạng hiện nay là thân nhân đi “canh” để trộm xác tử tù mang về chôn cất, hỏa táng...

Với chuyện này, nhiều ý kiến băn khoăn. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cho rằng nếu cho thân nhân mang xác tử tù về an táng sẽ “rất phức tạp”. Đại biểu Bàn Đức Vinh (Hà Giang) thì nói: “Để lấy được xác tử tù, thân nhân của họ sẽ làm mọi cam kết theo yêu cầu nhưng khi nhận xác về rồi thì không biết họ gây ra chuyện gì. 100 vụ chỉ cần một vụ “có vấn đề” là mệt rồi. Đề nghị cơ quan soạn thảo lường hết mọi vấn đề rồi hãy quy định trong luật”.

Ông Lê Thanh Bình đề xuất: “Nên có quy định phân biệt án nào thì cho phép thân nhân mang hài cốt tử tù về địa phương ngay, án nào phải sau vài năm mới được phép và có những tội phạm nào thì không được mang về địa phương”.

Đại biểu Trần Hoàng Thám (TP.HCM) gợi ý: Nên quy định là hỏa táng tử tù sau khi thi hành án tử, sau đó cho thân nhân nhận tro cốt về thờ cúng.

Bỏ quy định tử tù được hiến mô, xác

Dự án luật cho phép tử tù được hiến xác, mô, một bộ phận cơ thể cho mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học nếu họ có nguyện vọng.

Nhiều đại biểu không đồng tình với quy định này, vì số tử tù có nguyện vọng như thế rất ít, không nên quy định một trình tự, thủ tục riêng và khi đã chọn hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc thì sẽ không lấy xác được.

“Đưa ra một chính sách phải mang tính phổ biến, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Đây là kiểu “chợt nghĩ, chợt làm, không có căn cứ khoa học” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phản đối.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm