Chú trọng tranh luận tại tòa để hạn chế án oan

Theo ông Trạc, thời gian tới Ban Nội chính Trung ương sẽ khảo sát một số vụ án đông người, phức tạp, kéo dài nổi cộm để tìm hiểu rõ nguyên nhân và có kiến nghị, tham mưu xử lý. Ông Trạc cũng yêu cầu Ban Nội chính các tỉnh, thành phải nắm chắc tình hình, theo dõi đôn đốc, đẩy nhanh xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài, phức tạp. “Chúng ta cũng cần phải đôn đốc xử lý triệt để các vụ việc tuy nhỏ nhưng lại được người dân hết sức quan tâm. Có xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng thì mới có thể đủ sức răn đe” - ông Trạc nói.

Ông Trạc cũng thông tin từ ngày 15-9 đến tháng 11, Ban Nội chính Trung ương và các đơn vị có liên quan sẽ thành lập ba đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại ba tỉnh, thành gồm Khánh Hòa, Bình Định và Hà Tĩnh.

Vị phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng muốn chống tham nhũng hiệu quả thì trước tiên phải chống ngay trong các cơ quan PCTN. Đồng thời, Ban Nội chính các tỉnh, thành cũng cần phải chú trọng phát hiện, xử lý, phòng ngừa tham nhũng tại các lĩnh vực nhạy cảm như xây dựng cơ bản, đất đai, xuất nhập khẩu, tuyển dụng cán bộ, công chức, các chính sách… “Từng địa phương phải chọn cho mình một số lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực để xử lý. Từ nay đến cuối năm, mỗi ban Nội chính các tỉnh, thành phải phát hiện, tham mưu và xử lý được ít nhất một vụ án tham nhũng” - ông Trạc yêu cầu.

Cũng theo ông Trạc, muốn hạn chế, ngăn ngừa được tham nhũng thì phải tăng cường thực sự việc công khai, minh bạch. Ông Trạc cho biết các nước châu Âu như Na Uy, Thủy Điển… ít tham nhũng vì việc công khai, minh bạch đã ăn sâu vào nhận thức của người dân và chính quyền. Khi người dân, báo chí đến yêu cầu công khai thông tin thì các cơ quan này sẵn sàng cung cấp chỉ trừ bí mật quốc gia. Bởi vậy ở các nước này, họ xử lý kể cả những vụ án tham nhũng chỉ vì nhận một chiếc vé đi xem bóng đá, văn nghệ hay chỉ vì một bữa ăn trưa. Còn ở ta, theo ông Trạc, có những vụ tham nhũng phát hiện lên tới hàng ngàn tỉ đồng nhưng việc xử lý lại gặp “khó”.

Liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, ông Trạc cho rằng cách làm của chúng ta hiện nay nếu không đẩy mạnh cải cách tư pháp thì rất dễ dẫn đến án oan, sai. Theo ông Trạc, một điều tra viên còn đảm nhiệm quá nhiều vụ án nên rất dễ dẫn đến tình trạng bức cung, dùng nhục hình vì áp lực. Khi xét xử, nếu không có sự chú trọng trong tranh luận tại tòa thì cũng sẽ dẫn đến oan, sai. “Mấu chốt của cải cách tư pháp là phải coi trọng tranh luận tại tòa để xác định án chứ không phải chỉ căn cứ vào hồ sơ” - ông Trạc nhấn mạnh và cho rằng: “Oan, sai hình sự có thể làm cho người ta mất mạng, mất luôn cả sự nghiệp chính trị. Oan, sai trong y tế thì có thể gây tổn hại sức khỏe cho cả xã hội. Vì vậy trong xét xử, chúng ta không chỉ quan tâm tới việc buộc tội mà còn cần phải chú trọng tới cả việc gỡ tội”.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm