Chưa chú trọng trợ giúp pháp lý cho người bị hại

“Một số cơ quan chức năng nhận thức chưa đúng tầm quan trọng trong việc trợ giúp pháp lý cho người dân nghèo, bệnh tật, những đối tượng cần được nhà nước bảo vệ quyền lợi”. Hội nghị tổng kết hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại TP.HCM do Sở Tư pháp tổ chức ngày 29-12 nhận định như trên.

Theo báo cáo, năm 2009, Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP.HCM (trung tâm) đã thiết kế và bàn giao 100 bản thông tin và 10.000 tờ rơi giới thiệu về luật trợ giúp pháp lý. Các bản tin, tờ rơi mang đến các cơ quan tiến hành tố tụng trong địa bàn TP để khi người dân đến các cơ quan này làm việc sẽ tiếp cận, nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân được tiếp cận với trung tâm trợ giúp pháp lý vẫn còn ít. Cạnh đó, cũng chưa có cơ chế để thống kê số lượng bị can, bị cáo, nguyên đơn và bị đơn thuộc diện được trợ giúp pháp lý nhưng chưa được trợ giúp khi họ yêu cầu.

Bên cạnh đó, một số cơ quan tố tụng còn làm khó luật sư cộng tác viên của trung tâm bằng việc hỏi thêm giấy giới thiệu của văn phòng luật sư. Có trường hợp người chưa thành niên phạm tội, trung tâm trợ giúp từ đầu nhưng khi xét xử thì bị cáo đã đủ 18 tuổi nên có tòa không thông báo cho luật sư tham gia bào chữa.

Theo bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý, một số cơ quan tố tụng cho rằng trợ giúp pháp lý là công việc của cơ quan tư pháp chứ không phải việc của cơ quan tố tụng. Ngoài ra, cơ quan chức năng chỉ mới chú trọng đến trợ giúp pháp lý cho các bị can, bị cáo mà ít chú ý đến việc trợ giúp cho những người bị hại thuộc diện được trợ giúp.

Những đối tượng được trợ giúp pháp lý: người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn; người tàn tật; trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm