Chưa gút được tên dự luật về người khuyết tật

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ VI Quốc hội khóa XII vào ngày 20-10, hôm qua (18-9) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật Người khuyết tật.

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm là đổi tên dự án “Luật Người tàn tật” thành dự án “Luật Người khuyết tật”, các đại biểu đã tranh luận sôi nổi về việc đổi tên dự luật này.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, tán thành việc lấy tên “dự án Luật Người khuyết tật”. Ông giải thích: Có thể hiểu người tàn tật là người hoàn toàn không thể tham gia vào đời sống xã hội trong khi người khuyết tật vẫn có thể tham gia vào đời sống xã hội. Ông nói: “Đây là quyền của họ: được học tập, được lao động, được hòa nhập cộng đồng” nên ông đề nghị ban soạn thảo tiếp cận vấn đề không chỉ trên phương diện nhân đạo mà thôi. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng ban soạn thảo cần giải trình rõ hơn vì sao có sự chuyển tên của dự luật này.

Trước đó, bà Trương Thị Mai, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề xã hội, đã báo cáo bản thẩm tra sơ bộ của dự luật và cho biết: Ủy ban thống nhất với đề xuất của Chính phủ, lấy tên luật là “Luật Người khuyết tật” vì tên gọi này mang tính nhân văn, phù hợp với công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã ký kết.

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nội dung trong tờ trình Chính phủ là cần có một lộ trình phù hợp để thực hiện những quy định về các chế độ chăm lo cho người khuyết tật. Trước mắt có thể lựa chọn một số vấn đề ưu tiên và có tính khả thi để quy định trong luật. Chẳng hạn, việc đi lại của người khuyết tật trong thành phố bằng xe lăn; các công trình công cộng, các phương tiện giao thông phải thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận; việc sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới các công trình công cộng sử dụng ngân sách nhà nước phải tuân thủ quy chuẩn tiếp cận cho người khuyết tật, người già, người có con nhỏ hay người bệnh. Đối với các công trình sử dụng các nguồn vốn khác, nhà nước cần có chính sách để khuyến khích thực hiện các quy chuẩn trên.

Kết luận buổi làm việc, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội, lưu ý ban soạn thảo phải thẩm tra về phạm vi điều chỉnh, khả năng tài chính, các chế tài xử lý vi phạm và nói rõ hơn về việc đổi tên này khi trình cho Quốc hội xem xét.

Chiều cùng ngày, phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc.

BẢO PHƯỢNG – TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm