Chưa mở đường cho chính quyền đô thị

Sáng 28-2, HĐND TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992. Cùng thời điểm, Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp với tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp (Văn phòng QH) cũng tổ chức hội nghị góp ý cho văn kiện pháp lý quan trọng này. Đáng lưu ý, tại cả hai cuộc góp ý, vấn đề chính quyền địa phương (CQĐP) được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Đổi tên chỉ là hình thức

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH TP.HCM, nhìn nhận: Chương CQĐP trong Dự thảo sửa đổi HP 1992 (chương IX) mới chỉ có sửa chứ không đổi bao nhiêu. Các nguyên tắc về tổ chức CQĐP đã được bàn bạc rất nhiều trước đó đã bị bỏ đi và xem ra nội dung vẫn như cũ.

PGS-TS Trương Đắc Linh, chuyên gia về CQĐP (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng “Cái mới đáng ghi nhận của chương này chính là việc đổi tên chương từ “HĐND và UBND” thành “CQĐP”. Tuy nhiên, chương này vẫn chỉ quy định về các đơn vị hành chính lãnh thổ và hai cơ quan của CQĐP, vô hình trung vẫn là quan niệm cũ: Đồng nhất CQĐP với HĐND và UBND. Vậy thì xem ra việc đổi tên này chỉ mang tính hình thức, không có ý nghĩa gì” - ông Linh nhận xét.

Ông Linh cũng phân tích: Dự thảo vẫn chưa xác định nguyên tắc căn cơ nhất để xây dựng CQĐP là “bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của CQĐP trong phạm vi được phân cấp” mà Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra (nguyên tắc tự quản địa phương). Đồng thời, dự thảo cũng chưa xác định chủ thể quan trọng nhất của CQĐP là nhân dân ở địa phương, các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực trực tiếp và thông qua các cơ quan CQĐP. Trong khi đó, đây là cơ sở hiến định để đổi mới cơ bản tổ chức CQĐP ở nước ta trong thời gian tới khi xây dựng Luật CQĐP.

Chưa mở đường cho chính quyền đô thị ảnh 1

GS-TSKH Đào Trí Úc cho biết các nội dung liên quan đến chương CQĐP được tranh luận rất sôi nổi trong ban biên tập Dự thảo sửa đổi HP 1992. Ảnh: MC

Là ủy viên Thường trực Ban biên tập sửa đổi HP năm 1992, GS-TSKH Đào Trí Úc cho hay các nội dung liên quan đến chương CQĐP được tranh luận rất sôi nổi trong ban biên tập. Hướng tới là tiếp cận với nguyên tắc phân quyền địa phương. Còn tự quản là đỉnh điểm của nguyên tắc phân quyền địa phương nhưng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp và dần dần sẽ tiến tới đó.

Gây khó cho tổ chức chính quyền đô thị

Theo PGS-TS Trương Đắc Linh, quy định như dự thảo sẽ gây cản trở cho vấn đề tổ chức chính quyền đô thị. Cụ thể, theo ông Linh, khoản 1 Điều 115 dự thảo vẫn phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ như hiện nay. “Quy định như vậy là cứng nhắc, máy móc, không tính đến nhu cầu và khả năng áp dụng trong tương lai loại đơn vị hành chính mới ở các đô thị lớn của nước ta (khu đô thị mới hay các TP nhỏ trong đô thị lớn) như đề án xây dựng chính quyền đô thị của TP.HCM đã kiến nghị trung ương. Nếu quy định như dự thảo, TP.HCM sẽ không có cơ hội thí điểm đề án của mình khi đưa ra mô hình “thành phố trong thành phố” với bốn TP đông, tây, nam, bắc nằm trong đô thị lớn là TP.HCM” - ông Linh nói.

Bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cũng cho rằng nếu cả nước dàn hàng ngang tiến, cùng mặc chung một cỡ áo thì rất khó phát triển mà cần có một số đô thị phát triển theo mô hình chính quyền đô thị. “TP.HCM đã có nhiều bước thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý cao nhất, cần phải được ghi nhận vào HP. Tôi tha thiết đề nghị bổ sung vào chương CQĐP một điều khoản nguyên tắc để làm cơ sở ban hành quy định luật sau này về vấn đề trên. HP có thể quy định “những tỉnh, TP trực thuộc trung ương có đủ điều kiện được xây dựng chính quyền đô thị theo luật”. Đây không chỉ là quy định mở đường cho TP.HCM mà còn đáp ứng nhu cầu cho tất cả đô thị đang phát triển lớn mạnh trong cả nước” - bà Minh nói.

HP phải mở đường cho chính quyền đô thị

Kỳ họp chuyên đề của HĐND TP.HCM về góp ý Dự thảo sửa đổi HP 1992 sẽ được khai mạc hôm nay (1-3). Theo Dự thảo HP sửa đổi, nội dung quy định về vai trò, tính chất HĐND trong chương CQĐP gần như không thay đổi so với HP 1992. Nhiều nút thắt pháp lý trong xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM chưa được tháo gỡ nên sẽ được tiếp tục mổ xẻ tại kỳ họp. Chúng tôi rất mong được ghi cụ thể thêm trong chương này rằng “CQĐP cần phù hợp với đô thị, nông thôn” để làm tiền đề cho việc xây dựng chính quyền đô thị sau này.

NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM, Chủ tịch HĐND TP.HCM

Tuy mới nhưng vẫn trói buộc

Ở khoản 2 Điều 115 Dự thảo sửa đổi HP 1992 có một điểm mới so với HP hiện hành là quy định việc thành lập HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính lãnh thổ là do luật định “phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý”. Không biết điều này có ngầm hiểu là khi xây dựng Luật Tổ chức CQĐP sẽ phân biệt chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn hay không?

Tuy nhiên, cho dù ngầm hiểu như vậy thì theo tôi cách quy định này vẫn trói buộc Luật Tổ chức CQĐP chỉ có một lựa chọn là các đơn vị hành chính sẽ đều phải thành lập UBND. Như vậy các địa phương như TP Đà Nẵng kiến nghị áp dụng chế độ thị trưởng do dân bầu hoặc các đơn vị hành chính không tổ chức HĐND muốn áp dụng chế độ thủ trưởng (huyện trưởng, phường trưởng…) thì sẽ vướng vào khoản này.

Tương tự, Điều 116 dự thảo đã tiến bộ hơn khi bỏ quy định “UBND do HĐND bầu”. Điều này mở đường cho khả năng UBND có thể thành lập do bổ nhiệm trực tiếp từ cấp trên ở những nơi không tổ chức HĐND. Tuy nhiên, việc hiến định mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương phải là UBND - một cơ quan tập thể, làm việc theo chế độ hội nghị và có chủ tịch UBND thì khả năng áp dụng nguyên tắc thủ trưởng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính của CQĐP khó có cơ hội thực hiện.

PGS-TS TRƯƠNG ĐẮC LINH, ĐH Luật TP.HCM

MINH CƯỜNG - BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm