Chung tay gìn giữ biển đảo quê hương

Triển lãm “TP.HCM với biển, đảo của Tổ quốc thân yêu” đã khai mạc hôm qua, 13-10 (mở cửa đến 28-10) tại Công viên Lam Sơn. Tới dự khai mạc có Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn - Ủy viên thường vụ, Chủ nhiệm Chính trị quân chủng Hải quân, cùng nhiều cán bộ lãnh đạo trung ương và TP.HCM.

Với hơn 175 ảnh màu và đen trắng cùng với các bản đồ, bảng trích quan trọng, tiêu biểu, triển lãm thể hiện ba chủ đề lớn. Phần 1 với chủ đề Biển đảo Việt Nam” giới thiệu những tư liệu quý được chắt lọc từ nhiều thế kỷ trước có giá trị sâu sắc về lịch sử, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Phần 2 - “Tất cả vì biển, đảo thân yêu” phản ánh tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa TP.HCM với quân chủng Hải quân Việt Nam, quân dân trên huyện đảo Trường Sa và DK1. Phần 3 giới thiệu khái quát quá trình thành lập và truyền thống vẻ vang của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

“Cuộc triển lãm như một biểu hiện tốt đẹp của nghĩa tình sâu nặng giữa TP.HCM với nhân dân các vùng biển, đảo thân yêu. Đảng bộ và nhân dân TP quyết tâm đoàn kết một lòng cùng cả nước hướng về biển, đảo, đặc biệt là Trường Sa - DK1 với mong muốn góp sức cho huyện đảo ngày càng phát triển giàu mạnh” - ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, phát biểu tại lễ khai mạc.

Tại cuộc triển lãm, bức ảnh chụp ba nghệ sĩ đang hát tặng cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 mà nước mắt cứ lăn dài trên gò má dường như đã nói hộ tấm lòng của rất nhiều người. Ông Đỗ Quang Hảo (nhà ở quận 1) chỉ nói một câu: “Thật xúc động!”. Ở cái tuổi xế chiều của mình, ông vẫn ước một lần được ra với Trường Sa.

Cũng như ông, anh lính pháo binh Đặng Quốc Cường đã 27 năm xa đảo vẫn mong một lần trở lại. Anh bảo Trường Sa bây giờ khang trang quá, nhiều chỗ anh không còn nhận ra được nữa. Chỉ tay vào những tấm ảnh tư liệu đen trắng về Trường Sa những năm 1970, anh nhớ lại: “Một thời lính hải quân của tôi đó”...

Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta cũng có chung ước muốn như ông Hảo, như anh Cường. Có lẽ không ít người cũng sẽ chung nỗi xúc động khôn tả như ba nghệ sĩ trong ảnh nếu đứng giữa mênh mông biển cả, trước những gương mặt rắn rỏi kiên nghị mà bùng cháy nỗi khát khao chia sẻ tình cảm từ đất liền của những người lính đảo... Những giọt nước mắt của cảm xúc thiêng liêng về chủ quyền tổ quốc trỗi dậy trong trái tim, hay giọt nước mắt đồng cảm với những gian khổ của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió ấy đã hòa vào lòng biển mặn để thêm ấm tình đất liền với đảo xa.

“Biển một bên và em một bên”

Buổi sáng, khi triển lãm vừa khai mạc đã thấy hai phụ nữ chăm chú ngắm từng bức ảnh, từng bản đồ, bảng trích. Đó là chị Phạm Kim Dung và chị Nguyễn Thị Thanh Mai, đều là giáo viên Trường trung cấp Kỹ thuật Hải quân. Cả hai chưa một lần đặt chân đến Trường Sa nhưng vì “ông xã là lính hải quân, mỗi năm công tác vài lần, mang cả hơi thở của đảo về cho mình” cho nên chị Dung tâm sự: “Trường Sa ở trong từng hơi thở của tôi”.

Hai cô giáo Phạm Kim Dung (trái) và Nguyễn Thị Thanh Mai đang xem bức ảnh “Niềm xúc động khôn tả của các văn nghệ sĩ khi đến thăm và hát tặng các chiến sĩ trên nhà giàn DK1”. Ảnh: THÙY LINH
Hai cô giáo Phạm Kim Dung (trái) và Nguyễn Thị Thanh Mai đang xem bức ảnh “Niềm xúc động khôn tả của các văn nghệ sĩ khi đến thăm và hát tặng các chiến sĩ trên nhà giàn DK1”. Ảnh: THÙY LINH

Có lẽ vậy mà cuộc nói chuyện ngắn ngủi với hai chị luôn rộn ràng những kỷ niệm về biển. Cả hai cô giáo - hai người lính hải quân đều lấy chồng là lính hải quân. “Bởi tình yêu biển sẵn có nên mới gặp được “người của biển”” - chị Mai lý giải về duyên số của mình. Còn câu tỏ tình ngày nào của cô giáo Dung cũng đầy chất “biển”: “Anh yêu biển. Em cũng yêu biển. Cho nên chúng mình yêu nhau”...

Tình yêu biển, đảo của họ dường như cũng đang lan tỏa trong mỗi người chúng ta. “Ngày càng có nhiều người đứng bên chúng tôi - những người lính hải quân để cùng góp chung bàn tay, khối óc gìn giữ biển, đảo quê hương thân yêu” - chị Mai xúc động.

THÙY LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm