Có nhiều cách giữ chân công nhân

Những số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu ý kiến phân tích của các chuyên gia về tình trạng công nhân quay lưng với doanh nghiệp hiện nay. Các ý kiến đều thống nhất rằng muốn doanh nghiệp phát triển ổn định thì người lao động phải được chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần. Quan điểm này đã được chứng minh bằng thực tế sống động tại một số doanh nghiệp.

Trao quyền chủ động, sáng tạo

Thật ra doanh nghiệp (DN) cũng muốn chăm lo chỗ ăn ở cho công nhân chứ nhưng TP.HCM là “đất vàng”, làm sao đầu tư nổi. Vì vậy, DN có chiến lược khác để chăm lo cho công nhân. Các chính sách này không chỉ đơn thuần giữ chân để tránh thiếu hụt lao động mà thực sự là muốn giữ lòng, chia sẻ đời sống với những người cùng xây dựng DN. Cụ thể, công ty có chính sách không tăng ca quá 6 giờ chiều, không làm ngày Chủ nhật để công nhân thực sự có ngày nghỉ trong tuần, có thời gian vui chơi giải trí, chăm sóc gia đình.

Để gắn kết người lao động với DN, công ty còn phát động chương trình “mỗi công nhân - một sáng kiến”, “mỗi công nhân - một người quản lý chất lượng”. Chương trình này nhằm thúc đẩy công nhân tìm tòi những cách làm mới cho hiệu quả công việc cao hơn. Nhờ đó công nhân cảm thấy mình là người chủ động, sáng tạo trong công việc và góp phần xây dựng DN chứ không chỉ đơn thuần là làm cho xong phần việc của mình.

Có nhiều cách giữ chân công nhân ảnh 1

Trong khi nhiều công ty đang tuyển lao động khó khăn thì Công ty Freetrend vẫn thu hút hàng trăm lao động đến nhận việc. Ảnh: P.ĐIỀN

Hiện chúng tôi cũng đang lập “Công viên May” đầu tiên trên toàn quốc, đặt tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Tổng kinh phí giai đoạn một để xây dựng là 50 tỉ đồng, trong đó đến 10 tỉ đồng để đầu tư xây khu nhà ở và các tiện ích cho công nhân.

Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Sài Gòn

Dồn lực xây nhà lưu trú

Trừ một vài DN cá biệt thì hầu hết DN dệt may tại Bình Dương có chính sách đãi ngộ công nhân khá tốt. Hiện đã có vài DN dệt may xây được nhà lưu trú cho công nhân. Nhiều DN khác cũng muốn xây nhà lưu trú nhưng còn vướng nhiều thứ, như không lo nổi quỹ đất, hoặc có đất nhưng đất lại nằm trong khu công nghiệp. Thêm vào đó, muốn xây nhà lưu trú thì phải vay ngân hàng mà hiện nay lãi suất vay cao, DN không kham nổi.

Năm 2009, Công ty Sản xuất May mặc Bình Dương đã xây dựng xong khu nhà lưu trú cho khoảng 1.000 công nhân, chi phí đầu tư 29 tỉ đồng. Công nhân được miễn phí ở, chỉ phải trả chi phí điện, nước. Khu nhà này có ban quản lý, có nội quy vừa đảm bảo đảm sinh hoạt tự do cho công nhân nhưng cũng không quá ràng buộc. Ví dụ, buổi tối khu nhà đóng cổng lúc 10 giờ đêm, thứ Bảy thì đến 12 giờ đêm. Nội quy chung là công nhân không được đưa bạn bè, người nhà vào phòng ở nhưng khu nhà cũng có khu riêng để công nhân tiếp bạn bè, gia đình. Nhờ vậy mà công nhân cảm thấy không quá gò bó nên vào ở khá đông.

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, TGĐ Công ty Sản xuất May mặc Bình Dương

Hỗ trợ tiền gửi trẻ

Đặc thù của ngành gia công cần rất nhiều lao động, vì vậy chiến lược lao động phải được hoạch định lâu dài thì DN mới hoạt động tốt được. Để làm được điều đó, công ty tập trung xây dựng môi trường làm việc thân thiện với người lao động, thông qua lối hành xử có văn hóa theo khuôn khổ do công ty định ra. Đặc biệt, bộ phận quản lý người nước ngoài nếu có thái độ xử sự không đúng mức với công nhân sẽ bị kỷ luật rất nặng.

Để công nhân gắn bó lâu dài, công ty đã tập trung vào việc nâng cao đời sống tinh thần cho họ bằng cách mở các lớp học bổ túc, dạy tiếng Anh, vi tính, võ thuật, đàn guitar… Ngoài ra, công ty đã có chính sách hỗ trợ 300.000 đồng cho mỗi bà mẹ có con nhỏ để gửi trẻ từ hơn 10 năm nay. Năm 2010 này, công ty sẽ xây dựng nhà trẻ trong khuôn viên công ty đủ sức đón 1.200 trẻ là con em công nhân để giúp người lao động an tâm làm việc.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Yuen

Nhà lưu trú thành nhà kho

Công ty chúng tôi từng xây nhà lưu trú quy mô 500 người cho công nhân ở, giá nhà ở chỉ bằng một nửa giá thuê phòng trọ bên ngoài nhưng công nhân không chịu ở. Cuối cùng phải bỏ làm nhà kho! Lý do chính là công nhân thích tự do như ở nhà trọ. Trong khi đó, công ty xây nhà lưu trú thì phải đảm bảo quy củ, bởi lỡ xảy ra chuyện gì thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm.

(Một doanh nghiệp giày da)

Tâm lý thời vụ

Công nhân “nhảy việc” một phần do họ chưa tập trung vào chuyên môn và chưa tâm huyết để gắn bó lâu dài với DN, trong đó phải kể đến tư tưởng chạy theo thời vụ. Tâm lý công nhân không ổn định trong việc lựa chọn ngành nghề khiến DN rất khó xây dựng được mô hình lao động có tâm huyết, gắn bó lâu dài và hài hòa trong quan hệ lao động.

Nguyễn Thị Việt Hòa, Giám đốc Công ty Rồng Á Châu

QUỲNH NHƯ - PHONG ĐIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm