Còn nương nhẹ, bao che tham nhũng

“Một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình hình tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay là tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích vẫn còn nặng nề nên không ít người đứng đầu vẫn còn bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý”.

Đó là đánh giá của Ủy ban Tư pháp của QH trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013, trình bày trước QH sáng 22-10.

Bốn lãnh đạo bị xử hình sự

“Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực… gây bất bình trong xã hội” - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận xét. Trong khi đó, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH cho thấy số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp. Đa số vụ việc tham nhũng được phát hiện là các vụ tham nhũng nhỏ, còn số vụ tham nhũng lớn ít được phát hiện. Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản của Nhà nước tại một số DNNN vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Ngoài ra, tham nhũng cũng đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp trong lĩnh vực hỗ trợ dạy nghề nông thôn, xóa đói giảm nghèo…

Còn nương nhẹ, bao che tham nhũng ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) trao đổi với Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình bên hành lang kỳ họp QH sáng 22-10. Ảnh: THÀNH VĂN

Theo ông Tranh, trong năm 2013, có 41 trường hợp bị xử lý về trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng (giảm 14% so với cùng kỳ). Trong đó, bốn người đã bị xử lý hình sự. “Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng” - ông Tranh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh: “Mặc dù số lượng các vụ án tham nhũng năm nay được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng lưu ý là qua nhiều năm đánh giá, kiểm điểm, Chính phủ vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt và chưa làm tốt; xác định rõ, xử lý trách nhiệm các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chưa tốt”.

Kê khai tài sản còn hình thức

Kê khai tài sản được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, số người kê khai tài sản, thu nhập năm 2012 lên tới 500.000 người nhưng chỉ có ba trường hợp qua xác minh là kê khai không trung thực và 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản và cũng chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không giải trình được nguồn gốc. Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai. Còn việc công khai bản kê khai tại nơi công tác chưa phát huy tác dụng vì người trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Chưa kể họ thường sợ bị trù dập nên rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng.

“Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các DNNN, DN hoạt động trong lĩnh vực công ích nhận lương hàng tỉ đồng/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này” - ông Hiện đúc kết.

Dân ít dám tố cáo tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết trong năm qua có 20 người tố cáo hành vi tham nhũng được khen thưởng. Tuy nhiên, số cán bộ, công chức, viên chức và người dân tố cáo hành vi tham nhũng là rất ít.

Nhận định về việc này, ông Hiện cho biết qua khảo sát, giám sát cho thấy có những địa phương, qua nhiều năm cũng chỉ nhận được một đến hai đơn tố cáo tham nhũng. Ở một vài nơi có số lượng đơn tố cáo về tham nhũng lớn như TP.HCM, Hà Nội thì nhiều đơn tố cáo không ghi danh. “Nhiều người dân còn cho rằng phát hiện tham nhũng là việc của cơ quan nhà nước, còn người dân tố cáo tham nhũng có thể bị trả thù và làm nguy hại đến cả người thân của họ. Vì vậy chỉ khi hành vi tham nhũng có liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người tố cáo thì họ mới phải tố cáo. Ngoài ra, hiện nay chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Thêm vào đó là việc tổ chức khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng vẫn còn hình thức như vụ tố cáo tham nhũng tại BV Đa khoa huyện Hoài Đức - Hà Nội được Sở Y tế TP Hà Nội thưởng 320.000 đồng mỗi người” - ông Hiện nói.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, một nguyên nhân nữa khiến người dân ngại tố cáo tham nhũng chính là thực trạng xử lý không đúng pháp luật một số vụ tham nhũng và tình hình tham nhũng ngay trong chính các cơ quan tư pháp đã làm giảm lòng tin của nhân dân.

Còn nương nhẹ, bao che tham nhũng ảnh 2
Còn nương nhẹ, bao che tham nhũng ảnh 3
Còn nương nhẹ, bao che tham nhũng ảnh 4
Còn nương nhẹ, bao che tham nhũng ảnh 5

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm