HÔM NAY, LUẬT BIỂN VIỆT NAM CÓ HIỆU LỰC

Công cụ pháp lý để bảo vệ chủ quyền

Đây là hành lang pháp lý quan trọng để Việt Nam quản lý được vùng biển thuộc chủ quyền của mình, cũng như xử lý các quan hệ phức tạp về tranh chấp trên biển.Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn với TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, xung quanh vấn đề này.

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về quá trình soạn thảo và đi đến ban hành Luật Biển VN?

Công cụ pháp lý để bảo vệ chủ quyền ảnh 1
+ TS Trần Công Trục: Chúng ta vừa cùng với thế giới kỷ niệm 30 năm ngày ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Đây được coi như một hiến pháp của thế giới về biển và đại dương, đóng góp hết sức quan trọng vào việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn giữa các quốc gia ven biển và các quốc gia có hoạt động trên biển.

Việc thông qua Luật Biển VN là một thủ tục pháp lý cần thiết nhằm nội luật hóa UNCLOS. Với tư cách là thành viên của UNCLOS, chúng ta có nghĩa vụ chấp hành toàn bộ nội dung của nó và không được phép bảo lưu bất kỳ điều khoản nào. Luật Biển VN đương nhiên phải phù hợp với UNCLOS nhưng cũng chỉ cụ thể hóa công ước cho người dân và các cơ quan nhà nước cũng như các nước có quan hệ hoạt động trên vùng biển của chúng ta chấp hành dễ dàng hơn.

Đặc biệt ở biển Đông, nơi chúng ta có quan hệ với các nước láng giềng và các nước ven biển cận kề, đối diện nhau có những tranh chấp hết sức phức tạp, có lúc căng thẳng thì Luật Biển VN là một công cụ để chúng ta dựa vào đó để xem xét giải quyết.

Một việc không dễ dàng

. Việc ban hành Luật Biển VN là một quá trình không đơn giản, thưa ông?

+ Đúng vậy. Để nội luật hóa một điều ước quốc tế như UNCLOS là việc không dễ dàng. Chúng ta phải căn cứ tình hình thực tế, tính phức tạp của vấn đề, không những chỉ vấn đề pháp lý mà còn vấn đề chính trị, ngoại giao, tranh chấp,... nên phải có thời gian. Hơn nữa, bản thân biển là một vấn đề rất đa ngành, không chỉ có hoạt động an ninh, quốc phòng mà còn vấn đề kinh tế, tài nguyên, địa chất, giao thông vận tải,... UNCLOS cũng là một công ước khá đồ sộ với 320 điều khoản, chín phụ lục và khoảng 1.000 quy phạm pháp luật.

Công cụ pháp lý để bảo vệ chủ quyền ảnh 2

Ngư dân Nguyễn Văn Phương phấn khởi khi Luật Biển VN có hiệu lực thi hành. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

. Vậy hiện nay chúng ta đã nội luật hóa đầy đủ các nội dung của UNCLOS chưa?

+ Theo tôi, hệ thống đường cơ sở của mình phải được điều chỉnh cụ thể. Hiện nay chúng ta mới nói những cái trên nguyên tắc thôi, sau này có thể có những văn bản dưới luật để giải thích, cụ thể hóa đường cơ sở. Có như vậy mới hình dung được lãnh hải đến đâu. Hiện chúng ta đã có đường cơ sở theo tuyên bố năm 1982 rồi nhưng theo tôi, còn phải có những điều chỉnh thích hợp hơn.

Điểm quan trọng nữa là UNCLOS đề cập rất nhiều đến vùng biển di sản chung của nhân loại nên chúng ta phải có những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế cũng như tổ chức nghiên cứu hoạt động. Đây là điều các nước, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển rất quan tâm. Thậm chí họ còn cho rằng cần giữ tài nguyên vùng biển gần để khai thác vùng biển xa trước, mình thì làm ngược lại. Đó là một vấn đề theo tôi Luật Biển VN cần tiếp tục bổ sung.

Cần một cơ quan quản lý chung

. Theo ông, sự ra đời của đạo luật quan trọng này có giải quyết được tình trạng phân tán trong công tác quản lý biển không?

+ Hiện nay chúng ta quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhưng Chính phủ lại giao cho các bộ, tùy theo chức năng mà tiến hành quản lý, xử lý. Như vậy vẫn là phân tán. Trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến đề nghị Luật Biển VN cần quy định cụ thể một cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về biển nhưng không được chấp thuận.

Vùng biển của chúng ta ngoài tính phức tạp về các quy chế pháp lý để đảm bảo khai thác, về môi trường, tham gia các hoạt động chung của quốc tế còn có vấn đề tranh chấp hết sức phức tạp. Đặc biệt khi xảy ra những vụ việc trên biển, vì cơ quan quản lý tập trung không có nên việc nhanh chóng xử lý có phần hạn chế, có khi mỗi người hiểu một đường, thông tin đưa đến cho công chúng cũng vậy.

Do đó, cần phải có một cơ quan quản lý chung, mà phải do lãnh đạo cấp cao nhất nắm. Chứ một cơ quan cấp bộ đưa thông tin lên lãnh đạo, qua rất nhiều tầng cấp, nhiều khi không đến được, thậm chí thông tin lệch lạc, rất bất lợi cho việc đấu tranh.

. Xin cảm ơn ông.

Nhiều người còn lơ mơ

Chúng ta từng cố gắng, thậm chí có cả sách để giải thích về các nội dung của pháp luật về biển nhưng kể cả sinh viên luật, người làm công tác quản lý, nghiên cứu cũng còn lơ mơ.

Ngay cả với Hoàng Sa, Trường Sa chúng ta nói chúng ta là nhà nước đầu tiên chiếm hữu theo nguyên tắc chiếm hữu thực sự, còn Trung Quốc thì bảo là chủ quyền lịch sử của họ. Trong thực tế chúng ta lại nhấn mạnh khá nhiều về lịch sử. Nếu không cẩn thận sẽ lợi bất cập hại, vì khi giải quyết người ta không dựa trên lịch sử, mà dựa trên các tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý. Họ không dựa vào Đại Nam nhất thống chí, bản đồ, mà phải căn cứ vào bút phê của nhà Nguyễn cử đội Hoàng Sa đi, sắc phong, chiếu chỉ, giấy tờ của nhà nước... Đấy mới là tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý.

TS TRẦN CÔNG TRỤC

Khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Về phạm vi điều chỉnh, ngay tại Điều 1 Luật Biển VN đã nêu rõ: Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Luật Biển VN cũng quy định về Quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài (Điều 41). Theo đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật VN nếu tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải VN. Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN. Việc truy đuổi chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác.

HOÀNG THƯ thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm