Công khai ngành, nghề cấm kinh doanh

“Cấp giấy đăng ký kinh doanh cũng như làm giấy khai sinh cho một đứa bé mới ra đời. Trong tương lai đứa bé ăn trộm, ăn cướp là chuyện khác chứ đừng đổ tội tại khai sinh. Nếu cứ truy cứu người khai sinh cho người trộm cướp thì không ai dám cho khai sinh cả”. ĐB Trần Du lịch

(TP.HCM) đã ví von như vậy để bày tỏ sự ủng hộ việc không cần đăng ký ngành, nghề kinh doanh trong giấy đăng ký kinh doanh (giấy phép) trong buổi thảo luận tổ về dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi vào sáng 28-5.

Thoáng quá DN dễ hư

ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng nếu ngành, nghề kinh doanh không được ghi trong giấy phép thì có thể khiến DN nhầm tưởng mình được kinh doanh trong mọi lĩnh vực mà không cần điều kiện gì. Ngoài ra, bạn hàng, đối tác sẽ không có dữ liệu thông tin của DN, không biết lĩnh vực kinh doanh của DN. “Vấn đề này có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm trên thực tế. Chẳng hạn như khi đối tác ký hợp đồng với DN nhưng DN đó lại không có ngành, nghề kinh doanh đó thì hợp đồng dễ bị tuyên vô hiệu” - ông Quang cảnh báo.

ĐB Trần Du Lịch: “Tôi đề nghị Chính phủ cung cấp danh sách những ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho Quốc hội xem và cho ý kiến để biết ông nào thật sự có điều kiện, ông nào bày ra điều kiện”. Ảnh: T.HẰNG

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng Luật DN hiện hành đã quá thông thoáng rồi chỉ có điều trong tổ chức thực hiện một số nơi còn gây phiền hà về thủ tục. “Hiện có đến 80%-90% DN thương mại dịch vụ mọc lên như nấm nhưng năng lực cạnh tranh kém, làm ăn chân chính thì ít, mà lừa đảo, buôn bán hóa đơn, trốn thuế là nhiều… Vì vậy phải siết chặt hơn việc cấp giấy phép thành lập DN” - ông Đương đề nghị.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Phó Chánh TAND TP.HCM) cũng cho biết nhiều vụ việc tranh chấp kinh tế hiện nay tòa không xử được vì thiếu thông tin DN. Theo ông, trình tự đăng ký DN như dự luật là rất đơn giản, chỉ cần có trụ sở chính có địa điểm kèm theo địa điểm liên lạc. “Địa chỉ đó có đúng không thì không ai xác nhận và cũng không có chế tài gì kể cả các điều cấm. Thậm chí có những trường hợp địa chỉ rõ ràng ra đó nhưng muốn xử mạnh còn không được. Chẳng hạn có nhà hàng hoạt động nhạy cảm bị xử phạt hành chính rồi nhưng một tháng sau cũng nhà hàng đấy hoạt động nhạy cảm bị phạt tiếp nhưng lại đứng tên người khác. Đến lần thứ ba cũng vậy nhưng cơ quan chức năng không có cách nào để xử lý triệt để vì DN thay đổi tên hết lần này đến lần khác” - ông Ánh kể.

Cái DN cần là cấm cái gì

Để tạo điều kiện cho DN thực hiện tốt quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm, ông Lịch đề xuất “phải kèm theo danh mục những ngành, nghề cấm kinh doanh và danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”. Ngoài hai danh mục này thì người dân có quyền kinh doanh. “Hiện các bộ liên quan đang nắm các ngành kinh doanh có điều kiện. Vì vậy tôi đề nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Chính phủ cung cấp danh sách những ngành, nghề này cho Quốc hội xem và cho ý kiến để biết ông nào thật sự có điều kiện, ông nào bày ra điều kiện” - ông Lịch nói. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng cái DN cần là cấm cái gì phải nói rõ.

“Hiện nay, trong một số luật đã có quy định về lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, cần tập hợp để quy định thành những danh mục cụ thể kèm theo dự án luật này” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) lưu ý.

ĐB Chu Lê Chinh (Lai Châu) cũng đề nghị Điều 7 của dự luật quy định về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh cần bỏ “đuôi theo nghị định” vì nghị định dưới luật, sao luật lại chạy theo nghị định. Ông Chinh cũng lo ngại việc giao Chính phủ ban hành danh mục cụ thể có thể bị sự chi phối chủ quan của cơ quan chuyên môn. Vậy nên hai danh mục này phải được quy định rõ ràng ngay trong luật.

Vào dễ thì ra phải khó

Theo ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội), thủ tục thành lập DN không thể giúp Nhà nước kiểm soát hoạt động của DN sau khi thành lập. Do vậy cần nghiên cứu đưa ra các quy định về hậu kiểm để đảm bảo DN đã đăng ký là có tồn tại, có hoạt động, tránh DN “ma”, tự biến mất. Việc hậu kiểm cần có sự phối hợp chặt chẽ và thông tin hai chiều giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan thuế để tránh tình trạng gây khó cho DN từ việc phải chịu hậu kiểm chồng chéo cho những vấn đề tương tự bởi nhiều cơ quan khác nhau.

“Nguyên tắc vào dễ thì ra phải khó là đúng nhưng chúng ta đang lúng túng khâu ra, tức khâu hậu kiểm. Tại Việt Nam, công tác hậu kiểm còn nhiều yếu kém. Ở các nước thì cơ quan thuế, tài nguyên môi trường, lao động, kiểm toán… là cơ quan hậu kiểm quan trọng” - ĐB Nghĩa nêu thực tế.

T.HẰNG - T.VĂN - T.NHƯ

 

Tại sao không ghi ngành, nghề kinh doanh?

Theo Điều 30 của dự Luật DN sửa đổi thì DN không cần phải kê khai những lĩnh vực họ được phép kinh doanh trong giấy phép để khi cần thay đổi cơ cấu, lĩnh vực kinh doanh tận dụng cơ hội thị trường thì DN không phải tiếp tục điều chỉnh giấy phép và đăng ký bổ sung nữa. Khi đó sẽ giảm rủi ro pháp lý cho DN trong quá trình hoạt động. Bởi thời gian qua không ít DN bị xử phạt hành chính, rút giấy phép vì kinh doanh ngành, nghề sản phẩm không có trong đăng ký.

ĐB NGUYỄN ĐỨC CHUNG, Giám đốc Công an TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm