Công quyền giá bao nhiêu?

Trước khi diễn ra cuộc họp để kết luận sự việc đang gây xôn xao dư luận này, lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho rằng các phường đã “hiểu sai” chủ trương của quận. Theo đó, quận chỉ yêu cầu giải quyết 75% số hộ vi phạm trật tự đô thị (về sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè) trên phạm vi quản lý chứ không buộc các phường phải đạt “chỉ tiêu” về tiền, nhất là phường Thịnh Quang hiện mới chỉ có một cảnh sát trật tự nên do lo ngại không đạt chỉ tiêu buộc phải dùng lực lượng dân phòng để chặn xe!

Chưa biết kết cục sẽ ra sao, song cái việc sử dụng dân phòng để xử lý các hành vi vi phạm trật tự giao thông trên địa bàn một quận ở thủ đô đã bị dư luận phản ứng dữ đội. Bản thân lãnh đạo Công an TP Hà Nội, Cục CSGT đều khẳng định lực lượng này chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ về quản lý trật tự đô thị, cùng với cảnh sát chứ không được phép trực tiếp chặn xe xử lý vi phạm giao thông. Hơn thế, việc thiếu lực lượng chức năng (thiếu cảnh sát) là chuyện lãnh đạo quận phải nắm rõ, cũng như việc dân phòng “xuống đường” là sự kiện diễn ra công khai, trước con mắt của cả trăm ngàn người dân, không thể nói rằng do “hiểu lầm” được!

Lực lượng Công an TP Hà Nội đang rất tích cực xây dựng hình ảnh CAND “vì dân phục vụ” với hàng loạt hoạt động bài bản. Các bước triển khai đang rất tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp của nhiều cấp, nhiều người. Chính vì thế việc đáng tiếc xảy ra ở phường Thịnh Quang cần được xem xét đánh giá đúng tính chất, mức độ, xử lý nghiêm minh để lấy lại niềm tin yêu của nhân dân vào lực lượng công an.

Đừng để người dân cho rằng công quyền được định giá với số tiền 50 triệu đồng/tháng.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm