CÔNG BỐ KẾT QUẢ KIỂM TOÁN SCIC:

Công sản quản lý lỏng lẻo, lương “sếp” vẫn cao

Kết quả cuộc kiểm toán tại Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã trở thành tâm điểm quan tâm của báo chí trong buổi họp báo do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 2-12. Quan tâm bởi tổ chức kinh tế đặc biệt này quản lý một lượng tài sản cực lớn - hơn 40.700 tỉ đồng (tính ở năm 2008). Ban lãnh đạo của “siêu tổng công ty” này gồm lãnh đạo các bộ Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư...

Bỏ quên thu nhập

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính 2008 cho thấy thu nhập của SCIC năm 2008 tăng hơn 78% so với năm trước, trong đó chủ yếu là thu từ cổ tức góp vốn hơn 1.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, hạch toán, theo dõi doanh thu cổ tức lại thiếu chặt chẽ. Nhiều trường hợp có thông báo chia cổ tức từ 2006 đến 2007, đến khi kiểm toán vào vẫn chưa thấy hạch toán doanh thu và nợ phải thu. Tính sơ sơ, những khoản này đã tới 72 tỉ đồng.

Công sản quản lý lỏng lẻo, lương “sếp” vẫn cao ảnh 1

Báo cáo kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều lúng túng, bất nhất trong quản lý xăng dầu.
Ảnh minh họa: HTD

Đến cuối năm 2008, SCIC đã tiếp quản 893 doanh nghiệp từ các bộ, ngành, địa phương chuyển sang, đồng thời đổ vốn đầu tư vào 808 doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau. Bước đầu đã xây dựng quy chế người đại diện tại doanh nghiệp có vốn của SCIC, cử người tham gia hội đồng quản trị, ban kiểm soát tại các công ty lớn. Tuy nhiên, quy chế người đại diện được ban hành rồi nhưng lại thiếu tiêu chí đánh giá, đề cử, tái đề cử. Danh sách doanh nghiệp nhận tiếp quản thì dài nhưng gần một nửa thực tế chưa bàn giao xong phần vốn nhà nước về cho SCIC, ước tính 5.000 tỉ đồng.

Lương “sếp” 78 triệu đồng/tháng

Đáng chú ý là cổ đông nhà nước quan trọng trong những doanh nghiệp lớn nhưng một số trường hợp SCIC chưa bảo vệ được quyền lợi của nhà nước. Chẳng hạn, tại Jetstar Pacific, SCIC nắm tới hơn 75% vốn nhưng đã để xảy ra thua lỗ nghiêm trọng, kéo dài: năm 2008 lỗ 546 tỉ đồng, lũy kế đến cuối năm hơn 1.130 tỉ đồng và tính ra vốn chủ sở hữu âm 121 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn phát sinh từ việc hai phó tổng giám đốc của Jetstar qua mặt hội đồng quản trị ký hợp đồng mua bán xăng dầu theo giá cố định, gây lỗ 31 triệu USD (hơn 540 tỉ đồng).

Theo báo cáo kiểm toán, riêng quỹ lương của lãnh đạo SCIC năm 2008 được phê duyệt hơn 1,4 tỉ đồng, song thực tế chi trả tới 2,6 tỉ đồng. Với mức thực chi đó, thu nhập bình quân lãnh đạo SCIC đăng ký với liên bộ Tài chính - Lao động 40 triệu đồng/tháng nhưng thực tế lên gần hai lần, tới 78,5 triệu đồng. Cán bộ, nhân viên SCIC cũng được tăng thu nhập bằng cách kê khống giờ làm thêm trái quy định để móc tiền tăng ca hơn 500 triệu đồng.

Được biết, báo cáo kiểm toán SCIC đã được gửi tới Thủ tướng để chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện cơ chế hoạt động của tổng công ty đặc biệt này. KTNN cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của HĐQT SCIC cũng như của cá nhân, tập thể lãnh đạo Jetstar Pacific trong vụ thua lỗ xăng dầu. Ngoài ra, cơ quan kiểm toán còn yêu cầu liên bộ Tài chính - Lao động từ năm 2009 kiểm tra việc tuân thủ các quy định hiện hành khi phê duyệt đơn giá tiền lương cho SCIC.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm