CHẤT VẤN TẠI HĐND TP HÀ NỘI

Công trình 1.000 năm: Xây gấp, xuống cấp nhanh!

Phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội ngày 14-7 nóng hơn dự kiến khi các đại biểu truy vấn lãnh đạo TP và các sở, ngành về hai vấn đề: Tình trạng quá tải giáo dục mầm non và việc nhiều công trình có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng được xây dựng phục vụ cho kỷ niệm đại lễ 1.000 năm nhưng vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Làm gấp nên có quyền nhanh hỏng?

Các đại biểu điểm mặt các công trình điển hình như Bảo tàng Hà Nội, đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng nhưng lại bị dột, nước lênh láng, nhiều chỗ bị han gỉ. Tương tự, Công viên Hòa Bình, vốn đầu tư cũng đến hàng trăm tỉ đồng đã xuất hiện tình trạng lún, nứt, gạch bong, vỡ…

Đáp lại, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng do những công trình trên có quy mô lớn, thiết kế kỹ thuật cao, xây dựng trong thời gian ngắn, gấp gáp nên có để xảy ra những sai sót nhất định. “Đó chỉ là những sự cố hỏng hóc cục bộ chứ không có tính hệ thống. Ngay sau khi phát hiện sự cố, các cơ quan chức năng đã tiến hành sửa chữa, khắc phục ngay” - ông Hùng khẳng định trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị quản lý. Do đó, nhà thầu sẽ phải bỏ tiền ra sửa chữa, bảo hành theo đúng hợp đồng.

Cách trả lời trên đã bị đại biểu Hồ Quang Lợi (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy) phản ứng gay gắt: “Các công trình kỷ niệm 1.000 năm được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thành ủy và người dân cả nước rất quan tâm. Những công trình đó không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn có tính biểu tượng cao về sự bền vững của thủ đô. Do đó, việc kiểm điểm như đồng chí nói tôi thấy là chưa đủ và chưa rõ ràng”.

Công trình 1.000 năm: Xây gấp, xuống cấp nhanh! ảnh 1

Công trình 1.000 năm: Xây gấp, xuống cấp nhanh! ảnh 2

Công trình Bảo tàng Hà Nội đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng nhìn bên ngoài rất hoành tráng nhưng bên trong thì lênh láng nước mỗi khi trời mưa. Ảnh: CTV

Ông Lợi cũng cho rằng không thể lấy lý do “thời gian thi công ngắn” để giải thích cho các sự cố xuống cấp của các công trình. Vì sự xuống cấp đó không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn là thiệt hại về uy tín. “Đó mới là thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với thiệt hại bằng tiền. Chúng ta không thể cứ hỏng rồi sửa là xong. Việc quy trách nhiệm phải lớn hơn, phải rõ ràng hơn” - ông Lợi đề nghị.

Trước phản ứng gay gắt ttrên, giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Việc quản lý công trình này theo trách nhiệm đã được giao. Do đó, trách nhiệm đến đâu sẽ được xem xét thấu đáo đến đó.

10 năm, 10 tòa cao ốc, một trường mầm non

Một vấn đề cũng được đại biểu truy đến cùng là sự quá tải ở các trường mầm non công lập dẫn đến phụ huynh phải xếp hàng cả đêm xin học cho con. Lý giải nguyên nhân, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng do mức thu học phí các trường dân lập cao hơn nhiều so với các trường công lập, nhiều khu đô thị hình thành nhưng không xây trường... “Sau khi HĐND khóa trước có ý kiến, TP đã tập trung xây dựng trường mầm non. Đối với sáu phường chưa có trường mầm non, TP đã quan tâm chỉ đạo và đến nay đã có bốn trường được thành lập, hai trường đang triển khai lập dự án xây dựng” - bà Ngọc nói.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng vị phó chủ tịch đã có sự nhầm lẫn. Đại biểu Nguyễn Lan Hương chỉ rõ: “TP nói là đã có bốn trường được xây dựng và đưa vào sử dụng tôi thấy chưa đúng. Đề nghị TP kiểm tra lại, vì thực tế đa phần nó chưa được xây, chưa được đưa vào sử dụng”.

“Việc quản lý về hoạt động đầu tư vật chất, từ tiểu học, mầm non là thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện. Do đó, vấn đề đó các đồng chí phải hỏi ở UBND các quận, huyện chứ không phải là TP” - bà Ngọc đáp lại.

Lập tức, đại biểu Lê Tiến Nhật, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa, truy: “Nói như thế cử tri sẽ phản ứng ngay, vì họ chưa thấy trường đâu cả. Còn đúng là chúng ta đã phân cấp nhưng nếu để mặc quận làm thì rất khó. Vì muốn có quỹ đất, muốn xây trường thì phải có sự đồng ý của TP. Mà hiện tại thì quỹ đất để làm các trường mầm non trên là không còn”.

Chia sẻ với bức xúc của các đại biểu, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng vấn đề phân cấp là đã rõ nhưng nếu TP không vào cuộc thì rất khó để quận có đất. Do đó, TP khi lấy đất xây dựng khu đô thị, khu chung cư cần phải chú ý, tính toán mức độ tăng dân số để quy hoạch các trường học, nhất là mầm non, cho phù hợp. “Mười năm qua cả chục tòa nhà cao tầng mọc lên ở phường Láng Hạ nhưng chỉ xây thêm được một Trường Mầm non Tuổi Hoa và một Trường Tiểu học Nam Thành Công khiến sức ép cho các trường rất lớn” - bà Thanh nêu dẫn chứng.

Xếp hàng từ đêm xin học cho trẻ

Năm 2011: 9 giờ tối 30-6, hàng trăm phụ huynh ngồi trước cổng Trường Mầm non Thành Công A (quận Ba Đình) chờ đến sáng hôm sau mua hồ sơ xin cho con đi học mẫu giáo. Nhiều người mang ghế, áo mưa, sách, báo... “trực chiến”. Một số người mang theo cả laptop để tranh thủ làm việc.

Năm 2010: từ 11 giờ đêm 30-6, hàng trăm phụ huynh vẫn nằm, ngồi la liệt trước cổng Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) để chờ đến sáng hôm sau xếp hàng mua hồ sơ xin học mẫu giáo cho con.

Năm 2009: 1 giờ sáng 1-7, hàng chục phụ huynh mang theo đồ ăn, chiếu nằm tới trước cổng Trường Mầm non Tuổi Hoa (quận Đống Đa) để xí chỗ nộp hồ sơ cho trẻ vào học mầm non. Tại Trường Mầm non Hoa Sữa, có gia đình huy động tới sáu người thay phiên xếp hàng từ nửa đêm.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm