HỘI THẢO VỀ XÂY DỰNG TP.HCM VĂN MINH, HIỆN ĐẠI:

Cùng xây dựng thương hiệu TP.HCM

“Nhắc đến Paris, người ta nghĩ ngay đến những thị dân ga lăng, lịch sự. Vậy nói đến TP.HCM, người ta nhớ đến điều gì? Tại sao chúng ta không nghĩ rằng cần phải xây dựng thương hiệu TP.HCM? Có thể bắt đầu từ ý thức chấp hành pháp luật để có được thương hiệu thượng tôn pháp luật khi nhắc đến TP. Điều này không phải là trách nhiệm của riêng ai mà đòi hỏi phải có sự cộng hưởng từ hai phía: người dân và chính quyền”.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm chia sẻ tại hội thảo Những chuyển biến ý thức pháp luật của cư dân TP.HCM trong quá trình xây dựng TP văn minh, hiện đại do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và báo Pháp Luật TP.HCMphối hợp tổ chức sáng 22-12.

Cách phạt mới là cây đũa thần

TS Nguyễn Hữu Nguyên ở Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận xét nếu pháp luật đúng nhưng người thực thi pháp luật sai thì sẽ vô hiệu hóa pháp luật. Người dân sẽ không quan tâm đến pháp luật mà chỉ quan tâm xem mình bị ai bắt để chạy chọt. Lâu dần niềm tin vào sự công bằng của pháp luật không còn. Do đó văn hóa thực thi pháp luật quan trọng hơn văn hóa chấp hành pháp luật.

Cùng xây dựng thương hiệu TP.HCM ảnh 1

Xây dựng nếp sống văn minh không thể tính bằng tháng, bằng năm mà có khi phải mất vài thế hệ. Ảnh: ÁI PHƯƠNG

Chuyên gia về cải cách hành chính Diệp Văn Sơn kể cách phạt ở một số nước: “Ở Paris, khi cảnh sát phạt, họ ôm theo luật để giải thích cho người vi phạm hiểu. Trung Quốc không chỉ phạt tiền mà còn bắt nghỉ làm để đi làm cảnh sát trong một tuần, người dân ngán ngại ngay”.

Tự giác có... điều kiện

“Có thể văn minh đi trước hiện đại nhưng quy luật chung là hai cái phải song hành nhau. Đừng đòi hỏi ý thức của người dân trước mà nên bắt đầu từ ý thức của người thực thi pháp luật” - TS Nguyên nêu quan điểm.

Tuy nhiên, Thượng tá Võ Văn Vân, Phó phòng CSGT Công an TP.HCM, cho rằng nếu chỉ đặt nặng ý thức của người thực thi pháp luật là không đủ. “Thực tế cho thấy 70% vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm, 65% các vụ chết người có nguyên nhân do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Chỗ nào có CSGT đứng gác là không có tai nạn chết người. Nói vậy để thấy nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. Nghĩa là có hiện tượng người dân chỉ “tự giác một cách có điều kiện”, có cảnh sát thì mới chấp hành, không thì thôi” - ông Vân dẫn chứng.

Ông Vân cũng cho rằng ứng xử giữa người tham gia giao thông với nhau hiện nay chưa được tốt. “Hễ cứ qua mặt được người khác thì xem như mình chiến thắng. Hay một số vụ va quẹt không đến nỗi thương tích gì nhưng có khi lại chết vì đánh nhau...”.

Không thể tư duy theo phong trào

Theo ông Sơn, để xây dựng một thành phố văn minh, một vài năm chưa hy vọng cải thiện được mà có khi mất cả một thế hệ. “Phải bắt đầu xây dựng ý thức từ lớp trẻ. Giáo dục từ gia đình, cha mẹ phải làm gương. Nhưng nay, cha mẹ có khi tặc lưỡi mua xe cho con, rồi lại tặc lưỡi mua bằng lái xe cho con. Con nít hư cũng một phần vì vậy. Trong khi giáo dục công dân trong nhà trường thì nặng về triết lý chứ không dạy những cách hành xử trong cuộc sống hằng ngày” - ông Sơn nói.

Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, cũng đồng tình việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị không thể trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi phải có tư duy toàn diện, lâu dài, không chắp vá. “Còn tư duy theo kiểu phong trào thì không thể tạo nên sự phát triển bền vững” - ông Khôi nhấn mạnh.

Nhất trí với quan điểm này, TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng trong mỗi thời điểm cần tập trung vào một trọng tâm để thực hiện. “Chứ trước giờ chúng ta phát động phong trào gì thì chỉ thấy nói ra quân mà không thấy thu quân, tổng kết, thắng lợi, thất bại như thế nào...” - bà Hậu nói.

Đừng im lặng!

“Nhiều người hay nói nét văn hóa của TP.HCM đang bị mai một dần đi. Tôi cho rằng phải nói là đang bị tàn phá mới đúng. Tôi rất buồn khi phải chứng kiến những hành động xả rác, chen lấn, nói tục,... đang trở thành những thói quen bình thường diễn ra hằng ngày trên phố” - luật sư Nguyễn Bảo Trâm nói.

Cùng xây dựng thương hiệu TP.HCM ảnh 2

Quang cảnh buổi hội thảo.

Theo bà Trâm, để tạo chuyển biến ý thức cho người dân trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị thì bên cạnh việc giáo dục ý thức, tuyên truyền pháp luật, mỗi người dân phải biết tôn trọng hình ảnh của chính mình. Phải làm sao để mỗi người cảm thấy tự hào mình là cư dân của TP này. “Thấy những hành vi sai trái phải lên tiếng chứ im lặng là vô tình ủng hộ cho những cái xấu được lan tỏa. Như hiện nay nhiều người đã quên mất những phép lịch sự đơn giản nhất. Đến nỗi khi tôi nhắc một người hỏi đường tôi phải cám ơn thì họ trố mắt cho tôi là không bình thường! Nhưng tôi sẽ không vì thế mà im lặng...” - bà Trâm kể.

THÙY LINH – THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm