75 năm cách mạng tháng Tám (19-8-1945 – 19-8-2020) và Quốc khánh (2-9-1945 – 2-9-2020)

Cuộc cách mạng của tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Cách mạng Tháng Tám (CMT8) năm 1945 là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân ta trong thế kỷ 20. Thắng lợi của CMT8 đã chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và sự chiếm đóng của phát xít Nhật trên đất nước Việt Nam. Thành công của CMT8 và sau đó là sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cột mốc vĩ đại của lịch sử dân tộc Việt Nam, làm thay đổi vận mệnh đất nước, dân tộc. Đó là cuộc cách mạng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, của tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Tất cả vì một Việt Nam độc lập, tự do

Trong mỗi người Việt Nam chân chính đều chảy dòng máu yêu nước do tổ tiên truyền đời. Tinh thần yêu nước ấy tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam, để rồi khi có dịp là thổi bùng lên dữ dội. Dòng máu nóng yêu nước sục sôi ấy sẽ kết thành tinh thần, sức mạnh khi được khơi gợi đúng lúc. Có lẽ vì vậy mà ít có cuộc cách mạng nào quy tụ được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như cuộc CMT8.

Trong cuộc cách mạng vĩ đại này có mặt hầu như tất cả giới đồng bào, từ những quan lại cao cấp của triều đình đến những nhân sĩ, trí thức, những đại điền chủ giàu có, các nhà tư sản dân tộc đến các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào đã thức tỉnh nhiều quan lại, trí thức lớn để họ quyết định gia nhập đội ngũ của nhân dân. Khâm sai đại thần Bắc bộ của chính phủ Trần Trọng Kim là cụ Phan Kế Toại trước khi rời nhiệm sở đã căn dặn những người lính dưới quyền không được nổ súng nếu Việt Minh vào tiếp quản phủ Khâm sai. Vậy nên cuộc giành chính quyền ở Hà Nội đã diễn ra hầu như trong trật tự.

Trước tình hình sục sôi của cách mạng, trước sự lưỡng lự của nhà vua, bốn trí thức nổi tiếng trong hội đồng tư vấn của chính phủ Trần Trọng Kim là Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường và Nguyễn Xiển đã thống nhất đánh một bức điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, giao cho Việt Minh thành lập chính phủ để tránh nội chiến.

Bức điện ấy, như GS Nguyễn Xiển đã viết: “Chúng tôi tự động gửi bức điện trên coi như phản ánh nguyện vọng của đại bộ phận trí thức Trung, Nam, Bắc. Chúng tôi được ghi nhận là “Nhóm bốn người đánh điện” (les quatre télégraphistes) nhưng hiểu rằng CMT8 là sự nghiệp của toàn dân vùng lên giành chính quyền từ tay Nhật và đánh đổ triều đình phong kiến nhà Nguyễn, cử chỉ của chúng tôi chỉ là góp thêm một tác động nhỏ về chính trị tinh thần vào một cao trào lớn mạnh ở một tình thế đã chín muồi”. Bức điện rất ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy đủ thông điệp: “Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập, chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà”.

Sài Gòn, hàng trăm ngàn thanh niên thuộc lực lượng Thanh niên tiền phong đã nghe theo vị thủ lĩnh của phong trào - BS Phạm Ngọc Thạch ngả về phía nhân dân, phía cách mạng. Nhờ sự ủng hộ to lớn ấy của một lực lượng hùng hậu mà quân đội Nhật ở Sài Gòn khi ấy dù vẫn còn rất đông đã không dám chống cự và hoàn toàn thúc thủ.

Cũng chính tình dân tộc, nghĩa đồng bào ấy, vua Bảo Đại khi thoái vị, dù quân Nhật đề nghị nhưng đã thức thời không cho nổ súng đàn áp lại nhân dân. Ông đã nhanh chóng thoái vị để trao quyền lại cho Việt Minh với tuyên bố nổi tiếng: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ”. Chính phủ Trần Trọng Kim đã nhanh chóng tự nguyện rút lui để nhường quyền lãnh đạo cho lực lượng mà họ cho rằng sẽ tốt hơn: Mặt trận Việt Minh. Sau này, nhiều thành viên chính phủ, chính quyền Trần Trọng Kim đã tham gia vào bộ máy chính quyền do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo.

Ngày 19-8-1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự mít tinh hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tiến vào chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8-1945.Ảnh: tư liệu TTXVN

Lợi ích quốc gia, dân tộc phải đặt lên trên hết

Thành công của cuộc CMT8 năm 1945 là thành quả của gần 80 năm đấu tranh xương máu của các thế hệ người Việt Nam, nhất là 15 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người cộng sản. Cả bốn tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ) vì yêu nước, chống thực dân, đế quốc mà đều bị bắt, tù đày và hy sinh. Nhưng chắc chắn một điều, cuộc cách mạng này sẽ không thể thành công nhanh chóng nếu không có sức mạnh đại đoàn kết vĩ đại từ tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Nếu không có sự ủng hộ của nhân dân, không quy tụ được sức mạnh vĩ đại của nhân dân, làm sao có thể thành công nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn như vậy? Đó là sự dấn thân và hy sinh không cần tính toán, đong đếm của các thế hệ người Việt Nam khi ấy, chứ hoàn toàn không phải là một cuộc cách mạng “ăn may” như các luận điệu xuyên tạc hiện nay.

Chúng ta nhớ rằng khi cuộc CMT8 nổ ra là lúc mà tiềm lực của đất nước và nhân dân hầu như kiệt quệ. Kiệt quệ bởi trước đó gần 2 triệu đồng bào vừa chết tức tưởi trong nạn đói kinh hoàng. Ấy vậy mà khi lệnh tổng khởi nghĩa do Việt Minh ban ra, ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các giới đồng bào cả nước.

Rõ ràng, khi lợi ích quốc gia, dân tộc được đặt lên trên hết, chắc chắn sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ. Khi những nhà lãnh đạo thật sự vì dân, vì nước, nhân dân sẽ ủng hộ, tin tưởng và đi theo. Khi trái tim, khối óc của lực lượng lãnh đạo hòa cùng nhịp đập, suy nghĩ trong niềm vui và nỗi đau của dân tộc mình, chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ. Và khi nào lực lượng lãnh đạo khơi trúng mạch nguồn, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân - sức mạnh to lớn nhất đưa đất nước đi lên sẽ được khơi dậy.

Tinh thần của CMT8 mãi còn nguyên giá trị cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đưa đất nước tiến lên phía trước.

“Cống hiến bởi đơn giản đất nước cần”

Khi đó, rất nhiều các gia đình giàu có, các đại điền chủ, các nhà tư sản yêu nước đã cùng nhau đóng góp cho cách mạng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đơn cử như gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã đóng góp cho cách mạng hơn 5.000 lượng vàng (theo giá trị khi ấy là rất lớn).

Nhà tư sản Đỗ Đình Thiện ủng hộ cách mạng những ngày trứng nước 10 vạn đồng Đông Dương, 100 lạng vàng trong “Tuần lễ vàng” (trong khi cả nước mới quyên góp được 300 lạng vàng).

Sau này, vợ chồng cụ đã tự bỏ tiền ra mua nhà máy in Taupin của người Pháp để hiến cho cách mạng và Bộ Tài chính làm cơ sở in tiền của nhà nước ta trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Trả lời về sự hy sinh, cống hiến hết mình cho cách mạng những ngày trứng nước ấy, cụ Đỗ Đình Thiện chỉ khái quát một cách thật đơn giản: Cống hiến bởi đơn giản đất nước cần... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm