Đã có 1.076 người ứng cử ĐBQH khóa XV

Ngày 23-2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực (trái) và Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: mattran.org

Các mốc thời gian cho việc kiểm tra, giám sát
Ông Phan Văn Vương, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, trình bày chín nội dung của công tác kiểm tra, giám sát.
Trước hết là giám sát việc thành lập và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; giám sát việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND và việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử từ ngày 22-2 đến 17 giờ ngày 14-3;
MTTQ sẽ kiểm tra, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử diễn ra từ ngày 20-3 đến 13-4; giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri trong khoảng thời gian từ ngày 13-4 đến 23-5; giám sát việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử từ ngày 23-4 đến 13-5.
MTTQ các cấp sẽ kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, vận động bầu cử từ khi triển khai, tổ chức bầu cử đến khi kết thúc cuộc bầu cử; giám sát trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu từ 5 giờ đến 21 giờ ngày 23-5.
MTTQ Việt Nam các cấp cũng tiến hành kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử từ ngày 17-2 đến 30-6 và kiểm tra việc triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát bầu cử.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực lưu ý mặt trận các cấp cần linh hoạt trong quá trình triển khai và hoạt động giám sát phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo đúng luật và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Về vấn đề tự ứng cử, ông Thực nói mặt trận các cấp phải khách quan, công tâm, chặt chẽ trong việc kiểm tra lý lịch ứng cử viên để lựa chọn được những người xứng đáng.

Kiểm tra, giám sát tránh trùng lặp, chồng chéo

Theo Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, việc kiểm tra, giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia tránh trùng lặp, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị được kiểm tra, giám sát. Trong quá trình kiểm tra, giám sát không tự ý xử lý những vấn đề không thuộc thẩm quyền và chức năng của cơ quan MTTQ Việt Nam các cấp. 

Kiến nghị tăng đại biểu là người ngoài Đảng
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho hay dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng những hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương và địa phương vẫn được diễn ra dân chủ, đúng luật, đảm bảo thời gian theo quy định.
Trước đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và cơ bản đã nhất trí với dự kiến cơ cấu, thành phần số lượng như tại Nghị quyết số 1193/2021 của Ủy ban Thường vụ QH.
Đoàn Chủ tịch cũng kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ QH một số vấn đề như: Giữ nguyên số lượng ĐB khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên như số lượng ĐB của khóa XIV.
Đoàn Chủ tịch cũng đề nghị tăng thêm tỉ lệ ĐB là người ngoài Đảng so với dự kiến của Ủy ban Thường vụ QH; quan tâm đến cơ cấu ĐBQH đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; tăng số lượng ĐB dân tộc thiểu số có người được ứng cử ĐBQH so với dự kiến của Ủy ban Thường vụ QH.
Ở địa phương, đến hết ngày 17-2 đã có 63 tỉnh, thành tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH khóa XV. Đa số các địa phương nhất trí với dự kiến phân bổ của Ủy ban Thường vụ QH về cơ cấu, thành phần, số lượng người của địa phương mình được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Có 15 tỉnh, thành có đề nghị Ủy ban Thường vụ QH điều chỉnh cơ cấu, thành phần.
Tổng số người được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử ở 63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương (cả trung ương và địa phương) là 1.076 người, đạt tỉ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số ĐB dự kiến được bầu.
Khối MTTQ và các tổ chức thành viên của mặt trận có tổng cộng 70 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, trong đó có 11 người thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam, hai người là cá nhân tiêu biểu và 57 người thuộc các tổ chức thành viên của mặt trận.
Hiện chỉ có năm tỉnh, TP đã dự kiến số lượng cụ thể những người tự ứng cử ĐBQH khóa XV, các tỉnh còn lại chưa dự kiến.
Đối với HĐND các cấp, tổng số người được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656 người trên tổng số ĐB được bầu theo luật định là 3.715 ĐB; đạt tỉ lệ bình quân là 2,06 lần trên số ĐB được bầu.

TP.HCM có 60 ứng cử viên để bầu ra 30 đại biểu Quốc hội

Ủy ban Thường vụ QH chấp thuận việc giới thiệu 66 ứng viên để bầu ra 40 ĐB HĐND TP Thủ Đức.

Chiều 23-2, Ủy ban Bầu cử ĐB QH khóa XV và ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức phiên họp lần hai nghe báo cáo kết quả hiệp thương và lên kế hoạch cho những phần việc tiếp theo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết trong kỳ bầu cử lần này, TP không tổ chức bầu cử HĐND quận, phường, trong khi đó TP Thủ Đức sẽ bầu ba cấp là ĐBQH, ĐB HĐND TP.HCM và ĐB HĐND TP Thủ Đức.

Về cơ cấu ĐBQH khóa XV, TP.HCM đã giới thiệu 45 người vào danh sách bầu cử. Trung ương sẽ giới thiệu thêm 15 ĐB.

Từ danh sách trên, TP sẽ bầu ra 30 ĐBQH. Trong số đó, số lượng tái cử phải đảm bảo 11 người.

Về bầu cử ĐB HĐND TP.HCM, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Tiểu ban Hành chính - Tổng hợp, cho biết tại hội nghị hiệp thương lần 1, TP đã thống nhất giới thiệu 160 người để bầu ra 95 ĐB. Số lượng ĐB HĐND TP.HCM nhiệm kỳ tới sẽ ít hơn 10 người so với nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH đã chấp thuận để TP Thủ Đức giới thiệu 66 ứng viên để bầu ra 40 ĐB HĐND TP Thủ Đức.

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến diễn ra ngày 23-5. TP.HCM sẽ có 16 quận bầu hai cấp là ĐBQH và ĐB HĐND TP.

Trong đợt bầu cử này, TP vẫn giữ nguyên 10 đơn vị bầu cử ĐBQH khóa XV. Tuy nhiên, TP đã sắp xếp lại các đơn vị bầu cử để đảm bảo dân số giữa các đơn vị không quá chênh lệch. TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm