XUNG QUANH VIỆC “SIẾT NHẬP CƯ VÀO NỘI THÀNH ĐÀ NẴNG”

Đà Nẵng phải thực hiện nghiêm Luật Cư trú

Như đã đưa tin, Nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng có những nội dung siết chặt việc quản lý dân cư đô thị. Điều đáng nói là văn bản này có nhiều nội dung được nhận định là trái Luật Cư trú.

Phải chấp hành Luật Cư trú

Cụ thể, Nghị quyết 23 của Đà nẵng quy định tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự; cấm chuyển nhượng nhà chung cư, nếu vi phạm sẽ cưỡng chế thu hồi nhà; giữ phương tiện 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi lái xe; tạm dừng đăng ký mới và tước giấy phép kinh doanh cơ sở cầm đồ vi phạm.

Ngày 22-2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Thường trực HĐND TP Đà Nẵng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến vấn đề quản lý dân cư ở đô thị.

Đà Nẵng phải thực hiện nghiêm Luật Cư trú ảnh 1

Lao động nhập cư có còn cơ hội nhập hộ khẩu vào Đà Nẵng? Ảnh minh họa: CTV

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất biện pháp xử lý các kiến nghị của HĐND TP Đà Nẵng theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (trước đó, ngày 16-1, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị Chính phủ xử lý một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý dân cư ở đô thị).

“Trong thời gian chờ ý kiến của Chính phủ về những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật về cư trú, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, thống nhất các quy định của Luật Cư trú” - văn bản nêu rõ.

Thẩm quyền HĐND không thể cao hơn luật

Được biết hôm qua (29-3), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ đã chủ trì cuộc họp liên ngành (thứ hai) lấy ý kiến về một số quy định tại Nghị quyết số 23 của HĐND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, nội dung cuộc họp chưa công bố.

Trước đó, ngày 22-2, cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) cũng họp với đại diện nhiều cơ quan trung ương về một số nội dung của Nghị quyết số 23. Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho rằng so với các tỉnh, thành phố khác, thành phố trực thuộc trung ương đã được Luật Cư trú quy định các điều kiện nhập khẩu chặt chẽ hơn. Vì vậy, việc Đà Nẵng tạm dừng đăng ký thường trú với một số trường hợp và lập luận như trên là không thỏa đáng.

Ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng pháp luật hiện hành không có quy định “tạm dừng” đăng ký thường trú đối với các trường hợp công dân có đủ các điều kiện theo quy định. Do đó, chủ trương tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới nói trên với lý do “trong khi chờ xin ý kiến của trung ương về một số vấn đề liên quan tới Luật Cư trú trên địa bàn TP Đà Nẵng” tại Nghị quyết số 23 là “không có cơ sở pháp lý và trái với quy định của pháp luật về cư trú”.

Đại diện Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) nhấn mạnh quy định thẩm quyền “phân bổ dân cư” và “quyết định biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị” của HĐND tại Luật Tổ chức HĐND và UBND là thẩm quyền chung. Khi HĐND đưa ra nghị quyết để quy định cụ thể một nội dung nào đó thì phải tuân theo các luật ban hành sau và quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực. Việc HĐND TP Đà Nẵng đặt ra quy định trên là một hình thức hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Vị này dẫn khoản 1 Điều 1 Nghị định số 56/2010/CP “nghiêm cấm các hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm