MTTQ VIỆT NAM:

Dân bực dọc chuyện gì, phải vào cuộc chuyện đó!

Ngày 15-7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ ba (khóa VII) tại Đà Nẵng để thảo luận công tác Mặt trận sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm. Vai trò giám sát, phản biện cũng như việc lắng nghe tiếng dân của Mặt trận là những vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Phải tự “bật đèn xanh”

Theo ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hiện công tác giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên chưa có cơ chế, quy định rõ ràng, nhất là trong việc thực hiện giám sát chính sách, pháp luật. Nguyên nhân một phần là do nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong hệ thống chính trị vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Đội ngũ cán bộ Mặt trận vẫn còn thiếu và yếu...

Không đồng tình với nhận định trên, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn chủ tịch, nói: “Chúng tôi đã nghe quá nhiều lần rồi, rằng hiện nay chưa có cơ chế để giám sát, phản biện xã hội. Trong khi đó, giám sát, phản biện là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Mặt trận. Chúng ta luôn nói phải đổi mới hoạt động của Mặt trận nhưng nhiệm vụ trọng tâm mà ta vẫn chưa làm được, vậy thì đổi mới cái gì! Không tự bật đèn xanh cho chính mình thì làm sao hoạt động được!”.

Dân bực dọc chuyện gì, phải vào cuộc chuyện đó! ảnh 1

Đại biểu Lù Văn Que đặt câu hỏi cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận đang bị ách ở đâu. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Tiếp lời, ông Trương Quang Phú, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, cho biết hiện có ý kiến giải thích việc chưa có cơ chế giám sát một phần là do lực lượng chưa kham nổi. “Tôi nghĩ đội ngũ chúng ta còn nhiều lắm, chưa sử dụng hết đâu. Nhưng cơ chế chưa ra thì làm sao Mặt trận giám sát được. Tôi thiết tha đề nghị những người trong Mặt trận phải nói được vấn đề đó” - ông Phú nói.

Lắng nghe tiếng dân

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận là tập hợp rộng rãi ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh với Đảng, nhà nước. Góp ý về vấn đề này, ông Trương Quang Phú nói: Hiện nay, có nhiều vấn đề nổi cộm xoay quanh cuộc sống của người dân như biến đổi khí hậu gây hạn hán, nắng nóng, giá điện tăng, mất điện triền miên. Rồi chuyện cho thuê đất rừng ở biên giới, nông dân mất đất canh tác… “Những chuyện này khiến người dân rất bức xúc. Chúng ta không thể bình chân như vại và đứng ngoài cuộc” - ông nhấn mạnh.

Ý kiến này được nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng đối với các vấn đề dân sinh, Mặt trận cần theo dõi bởi điều khiến người dân có lòng tin chính là thái độ, động thái của Mặt trận. “Tất cả vấn đề bực dọc của dân thì chúng ta phải tham gia tích cực để có tiếng nói của người dân. Có như vậy mới phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chúng ta cũng nên chọn những vấn đề có ảnh hưởng đến nhân dân nhiều nhất, ví dụ như vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... để thực hiện giám sát” - ông Nguyễn Thế Võ, Ủy viên Đoàn chủ tịch, nhấn mạnh.

Đưa giám sát, phản biện vào luật

Luật Mặt trận sẽ được sửa đổi trong thời gian tới, trong đó sẽ bổ sung nội dung về giám sát, phản biện. Trong hoạt động giám sát hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được quy chế giám sát, phản biện và thực hiện rất hiệu quả. Đó là những cơ sở để chúng ta xây dựng cơ chế giám sát, phản biện ở tầm cao hơn, để tiến từng bước trong bước đi dân chủ của mình.

Ông VŨ TRỌNG KIM, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Hãy làm như đã nói

Chúng ta đưa ra vấn đề đấu tranh chống âm mưu gây mất đoàn kết của kẻ thù nhưng tôi nghĩ kẻ thù thực hiện được âm mưu là do mình yếu. Còn người dân, họ chẳng nghĩ sâu xa gì đâu. Đối với những vụ việc bức xúc thì điều mà họ quan tâm chính là thái độ, cách giải quyết của cơ quan nhà nước. Ví như vụ Vinashin, người dân hay nói với nhau: Rồi cũng thế, rồi cũng đâu vào đó!... Vì thế, chúng ta phải xử lý sao cho người dân tâm phục, khẩu phục. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chúng ta cứ làm được những việc như ta đã nói thì lòng tin sẽ tăng lên.

GS Phạm Thị Trân Trâu

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm