Dân chủ và pháp quyền trong Hiến pháp 1946

Tiếp sau đó là một chuỗi sự kiện có ý nghĩa lớn lao về mặt chính trị, pháp lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng và tổ chức thực hiện thành công.

Đó là cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 để bầu ra Quốc hội lập hiến.

Đó là việc Quốc hội lập hiến, ngày 9-11-1946, đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền; một bản hiến pháp thấm đẫm tinh thần dân chủ, thể hiện sâu sắc và giàu tính hiện thực những phẩm cách của một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Theo quy định của Hiến pháp 1946, nước ta không có quốc hội mà chỉ có nghị viện nhân dân với nhiệm kỳ ba năm. Nếu sau đó không có chiến tranh, Hiến pháp 1946 được thực thi thì Quốc hội lập hiến sẽ tự giải tán để tổ chức bầu nghị viện nhân dân. Thế nhưng do nhiều điều kiện, việc bầu nghị viện nhân dân không tiến hành được, Quốc hội lập hiến đã chuyển thành Quốc hội lập pháp (đây cũng là lý do vì sao Quốc hội nước ta từ khóa I đến khóa XIII có cả quyền lập hiến).

Hiến pháp 1946 ngắn gọn, súc tích, tập trung quy định những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hiến pháp, mà cụ thể là các quyền tự do, dân chủ; các nguyên tắc và cách thức tổ chức các cơ quan quyền lực nhà nước. Hiến pháp năm 1946 là kết quả của quá trình đấu tranh giành độc lập, lập ra nền cộng hòa; nhờ có chế độ dân chủ cộng hòa lúc đó mới tạo điều kiện cho sự ra đời của một bản “Hiến pháp dân chủ” với nguyên tắc: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân. Hiến pháp hướng tới việc xây dựng một chính thể dân chủ rộng rãi, một bộ máy nhà nước mạnh mẽ và sáng suốt, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hiến pháp và dân chủ là hai yếu tố không tách rời nhau. Hiến pháp quy định nội dung và cách thức thực hành dân chủ; là phương tiện để cho nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ.

Hiến pháp năm 1946 cũng thể hiện đậm nét tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền. Tư tưởng xây dựng một nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải chỉ xuất hiện sau này, trong quá trình soạn thảo Hiến pháp năm 1946 mà đã có từ đầu năm 1919. Trong bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versailles Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Sức mạnh của tính pháp quyền trong Hiến pháp năm 1946 cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Khi Nhà nước ta có chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không phải không có lý do mà có ý kiến đề nghị: Để nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về kỹ thuật lập hiến, về tư tưởng nhà nước pháp quyền, chúng ta không thể không nghiên cứu học hỏi, tiếp thu, kế thừa những mặt ưu việt, những yếu tố vượt trội của Hiến pháp năm 1946.

Hiến pháp năm 1946 là di sản to lớn về tư tưởng và văn hóa lập hiến, là dấu son hết sức quan trọng của dân tộc ta trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm