Đạo đức là gốc của người cách mạng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: “Hội thảo được tổ chức không chỉ nhằm mục đích tiếp tục khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm, mà còn góp phần tuyên truyền và đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức đối với mỗi cán bộ, đảng viên”.

Tại hội thảo, gần 60 tham luận đều đề cao giá trị giáo dục đạo đức của người cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm này. Nguyễn Ái Quốc quan niệm đạo đức là cái gốc của người cán bộ cách mạng, là yếu tố quyết định sự thành bại của một cuộc cách mạng. Người viết: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trong bài “Tư cách của một người cách mạng”, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra 23 phẩm chất mà người cách mạng cần phải có. Cụ thể, Người cho rằng người cách mạng trước hết phải giữ chủ nghĩa cho vững, phải biết hy sinh, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm... Là một nhà cách mạng từng trải, hơn ai hết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng nếu không có những con người cách mạng chân chính thì sẽ không có được một đảng cách mạng chân chính.

Đạo đức là gốc của người cách mạng ảnh 1
Những văn bản do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, trong đó có cuốn Đường Kách mệnh. Ảnh tư liệu

Đặt vấn đề xây dựng con người cách mạng lên vị trí đầu tiên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc cũng đồng thời ý thức rõ về sự nghiệp xây dựng Đảng và lựa chọn mô hình nhà nước trong tương lai. Người nhấn mạnh: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.

80 năm trôi qua, lịch sử dân tộc trải qua biết bao biến cố thăng trầm nhưng giá trị giáo dục của tác phẩm Đường Kách mệnh vẫn còn nguyên giá trị. Với những gì Nguyến Ái Quốc đặt ra, Đường Kách mệnh không chỉ là ngọn đuốc soi đường mà nó còn là một lời cảnh báo cho một chính đảng trong việc giáo dục phẩm cách người cán bộ.

Điều này càng đúng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, cửa quyền, xây dựng Đảng và cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo khẳng định: “80 năm sau, dù thế giới có nhiều biến đổi, những nội dung cụ thể của Đường Kách mệnh vẫn còn nguyên tính thời sự đối với chúng ta về những vấn đề của dân tộc, của thời đại. Cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa con đường phát triển của đất nước, của nhân loại, con đường độc lập dân tộc và CNXH, vai trò của Đảng và vấn đề xây dựng một chính đảng trong sạch, vững mạnh cả chính trị, tư tưởng, tổ chức”.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm