Đầu tư cho công nhân là làm lợi cho doanh nghiệp

Sau cảnh báo của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa về việc các doanh nghiệp đang phải trả giá đắt cho việc đối xử tệ với công nhân, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục trao đổi với ông Đặng Quang Điều, Phó ban Chính sách – Kinh tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xung quanh vấn đề vì sao công nhân quay lưng với doanh nghiệp.

Ông Điều nói: “Doanh nghiệp (DN) cần nhận thức trả lương xứng đáng, đầu tư nhà ở, các chế độ phúc lợi xã hội cho công nhân là vì lợi ích lâu dài của mình. Pháp luật lao động cần có chế tài mạnh hơn với những DN sử dụng lao động kiểu vắt chanh bỏ vỏ”.

Sẵn sàng “nhảy việc”

. Vừa qua, một số DN đã đề xuất nhập khẩu lao động phổ thông từ Philippines và Lào để bù đắp số lao động thiếu hụt sau tết. Phải chăng nước ta đang trong tình trạng thiếu cả lao động có tay nghề lẫn lao động phổ thông?

Đầu tư cho công nhân là làm lợi cho doanh nghiệp ảnh 1
+ Nói nước ta thiếu lao động phổ thông thì không thể chấp nhận được. Chúng ta đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng (nghĩa là cứ hai người đi làm thì chỉ phải nuôi một người) với 50 triệu lao động. Sở dĩ nhiều DN kêu thiếu lao động vì các DN này trả lương cho người lao động (NLĐ) rất thấp. Mức lương chưa tương xứng với sức lao động của công nhân thì họ không đến làm việc và DN sẽ không bao giờ tuyển đủ.

. Có ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam thiếu lao động phổ thông là do các địa phương đã có các khu công nghiệp lớn, công nhân về quê ăn tết rồi ở lại làm việc gần nhà để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Ông nghĩ sao?

+ Tôi cho rằng đó là một trong những lý do. Nhưng cũng phải thấy là nơi làm việc cũ không có gì ràng buộc người ta cả. Nếu như các DN trong Nam có chế độ, chính sách giữ chân NLĐ, có nhà ở, nơi học hành cho con cái họ, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… thì họ sẽ quay lại ngay. Đằng này thu nhập đã không cao mà chính sách thu hút, giữ chân lao động lại không có. Vậy họ sẵn sàng “nhảy việc” là điều dễ hiểu.

Đầu tư cho công nhân là làm lợi cho doanh nghiệp ảnh 2

Phần lớn công nhân làm việc ở TP.HCM là người nhập cư nên phải thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt cao nên không gắn bó lầu dài với doanh nghiệp. Ảnh: HTD

Hiện nay sức lao động đang có giá thì NLĐ hãy tranh thủ cơ hội để mặc cả nâng cao tiền lương tương xứng với sức lao động bỏ ra. Cơ hội này đang đến với cả lao động đang làm việc lẫn lao động đang đi tìm việc.

Chính sách lương tối thiểu có vấn đề

. Tiền lương thấp được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến NLĐ quay lưng với DN. Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm gì trong việc xây dựng chính sách tiền lương?

+ Theo tôi, quy định về lương tối thiểu hiện chưa hợp lý. Theo lý giải của Bộ thì lương tối thiểu chỉ là mức sàn để NLĐ căn cứ vào đó thương lượng với chủ sử dụng lao động theo tình hình thị trường lao động. Nhưng lý giải này chỉ đúng trong lý thuyết thôi. Thực tế, NLĐ rất khó thương lượng vì có hai lý do: Thứ nhất, hiện nay NLĐ trong thế yếu để thương lượng. Thứ hai là áp lực về thất nghiệp, không có việc làm ở Việt Nam rất cao.

Hiện nay đa số các DN lấy lương tối thiểu làm mốc rồi trả cao hơn một chút để không vi phạm pháp luật lao động. Tiền lương như thế không phản ánh đúng giá trị sức lao động của NLĐ bỏ ra.

. Về phía DN, họ có thể có được kinh nghiệm gì sau giai đoạn khó khăn về tuyển dụng hiện nay?

+ Theo tôi, nếu muốn lao động coi DN là nhà thì chủ DN phải có chiến lược để giữ chân NLĐ, đào tạo họ. Có như vậy thì mới có lao động ổn định được. NLĐ rất muốn an cư, vậy DN nào có chỗ ở thì sẽ có lực lượng lao động ổn định. DN cần có chính sách khen thưởng lao động gắn bó lâu với mình, bán cổ phần hoặc thưởng cổ phần với NLĐ để giữ chân họ.

Cốt yếu là DN ý thức họ làm những việc này hoàn toàn vì lợi ích của mình. Khi có lực lượng lao động ổn định, tất yếu trình độ chuyên môn tay nghề của lao động cao hơn, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm cao hơn, vì thế mang lại lợi nhuận lớn hơn cho DN.

Ba lý do ngoài lương

Tình trạng công nhân (CN) bỏ việc sau tết ngoài nguyên nhân lương quá thấp, theo tôi thì còn có ba lý do khác nữa.

Thứ nhất, CN hiện còn đối diện với quá nhiều bất trắc và họ gần như không nhận được sự trợ giúp nào từ phía chính quyền cũng như các tổ chức xã hội. Đồng thời, quan hệ giữa DN và CN hiện tại là mối quan hệ thiếu công bằng và CN luôn gánh chịu phần thiệt thòi.

Khi CN làm sai, đi trễ, họ lập tức bị trừ lương, cắt thưởng, thậm chí có nơi còn bị đánh đập. Ngược lại, khi DN sai (như chậm lương, không đóng bảo hiểm xã hội…) thì CN hầu như không làm gì được DN cả. Khi đã mất lòng tin vào sự công bằng của DN thì CN sẽ chỉ gắn với DN một cách miễn cưỡng và khi không còn chịu đựng được nữa thì họ đành sử dụng biện pháp tự vệ cuối cùng là nghỉ việc.

Thứ hai, phần lớn CN làm việc tại TP.HCM là dân nhập cư, họ không tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu (điện, nước…) với giá nhà nước như công dân TP. Trong bối cảnh giá cả leo thang hiện nay (trong khi tiền lương vẫn giậm chân tại chỗ), CN không thể nào trụ được. Chuyện họ về quê ăn tết rồi ở lại luôn cũng là điều dễ hiểu.

Cuối cùng, thăng tiến nghề nghiệp - một nhu cầu chính đáng - hầu như khép chặt đối với đại đa số CN. Với kiểu làm việc theo dây chuyền (phần lớn còn lạc hậu), CN chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đứng “cho máy ăn” trong một công đoạn sản xuất nào đó. Sau thời gian dài, tay nghề của họ vẫn chỉ là con số không. Lương thấp, không thể tích lũy, nghề nghiệp không hứa hẹn, tương lai của người CN quả thật rất mù mờ. Do vậy, khi có cơ hội, họ lập tức đổi nghề mà không hề đắn đo.

Ths. LÊ MINH TIẾN

BẢO PHƯỢNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm