ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Luật ở trên trời, thông tư ở dưới đất

Phát biểu tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật sáng 27-11, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng dự thảo vẫn chưa chạm được vào bản chất của một số vấn đề quan trọng và chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo ông Lộc, quy trình soạn thảo văn bản hiện hành cho thấy rõ những bất cập về chất lượng văn bản pháp luật khi các bộ, ngành vừa là cơ quan đề xuất, soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước. Ông Lộc cho rằng thực tế này dẫn đến một xu hướng tự nhiên là nhiều chính sách đã dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản nhưng không có một cơ chế nào hạn chế hệ quả của việc này. Người đứng đầu VCCI đề nghị dự thảo luật cần có quy định giới hạn thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tập trung thực thi đầy đủ quyền lập pháp của Quốc hội và quyền ban hành văn bản hướng dẫn luật của Chính phủ.

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng chưa có giải pháp hiệu quả tình trạng luật ở trên trời, thông tư ở dưới đất. Ảnh: TTXVN

“Thực tế tám năm thực thi luật hiện hành cho thấy rất rõ những bất cập về các văn bản hướng dẫn luật. Nhiều luật được ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn kịp thời. Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài nhiều năm chưa chấm dứt” - ông Lộc nói và cho rằng người dân và doanh nghiệp (DN) chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định, bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở đã từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn. “Họ cũng sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định vì trong không ít trường hợp, thông tư hạn chế quyền và mở rộng nghĩa vụ của họ nhiều hơn so với luật và nghị định. Luật ở trên trời, thông tư ở dưới đất. Tôi chưa thấy dự thảo đưa ra các giải pháp có hiệu quả nào để giải quyết tình trạng này” - ông Lộc phản ánh.

ông Lộc đề xuất: Trong khi không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai năng lực của đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật thì huy động trí tuệ của người dân, của DN để cùng Nhà nước xây dựng pháp luật, tận dụng tai mắt của nhân dân, của DN để kiểm soát quá trình xây dựng pháp luật. Với cơ chế lấy ý kiến, ông Lộc cho rằng còn một số điểm trong dự thảo cần được chế định rõ thêm để việc lấy ý kiến của người dân và DN thực sự có hiệu quả và thực chất.

Ông Lộc nêu thực tế hiện nay là hầu như không có cơ quan soạn thảo nào công khai bản dự thảo cuối cùng mà chỉ lấy ý kiến công chúng cho các dự thảo ban đầu. Thậm chí có không ít văn bản mà quá trình soạn thảo chỉ khép kín giữa các cơ quan soạn thảo và cơ quan ban hành. Hệ quả là người dân và DN trong nhiều trường hợp đã bị bất ngờ khi văn bản được ban hành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ, chứa đựng những quy định bất lợi mà họ không hề được biết đến trước đó. “Dự thảo có quy định đảm bảo khắc phục được tình trạng này, đặc biệt là việc công khai bản dự thảo cuối cùng” - ông Lộc đề xuất.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm