Đề nghị “không buộc dân làm đơn yêu cầu thi hành án”

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) bày tỏ: “Hiện nay, việc quản lý tài khoản còn khó khăn, quy định về kiểm soát tài sản vẫn chưa minh bạch, cơ quan nhà nước đi xác minh thông tin tài sản còn khó, huống hồ bắt dân xác minh như hiện nay thì sao làm nổi”. Bà Nga cũng ủng hộ quy định giao “tòa án ra quyết định THA” để gắn kết, tăng cường trách nhiệm của tòa án đối với bản án, quyết định đã tuyên. Bởi theo bà thì trên thực tế, có hàng trăm, thậm chí cả ngàn bản án đã tuyên rất khó thi hành do lỗi của tòa (tuyên không đúng địa chỉ, không đúng vị trí, án tuyên không rõ…), vì thế nên giao tòa ra quyết định THA để nâng cao trách nhiệm của thẩm phán mỗi khi tuyên án, đảm bảo án tuyên phải thi hành được.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng kể: “Có bản án không thể hiểu được, nhà chiều rộng có 1,5 m mà tòa tuyên chia đôi thì chia sao được!”.

ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) than phiền một nội dung của dự thảo. Ông nêu: “Không nên buộc người được THA phải có đơn yêu cầu THA. Tòa án phải ra quyết định THA đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (không phân biệt khoản nghĩa vụ đối với Nhà nước hay khoản thi hành cho công dân). Điều này nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, nhất là bảo đảm thi hành quy định tại Điều 106 của Hiến pháp. Đó là, “bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”, đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa quyền và lợi ích của Nhà nước và của công dân. Trường hợp người được THA có đơn đề nghị không THA, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của tòa án thì cơ quan THA lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ THA”.

Tuy nhiên, ĐB Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) lo ngại tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (chủ yếu là xét xử), việc giao tòa ra quyết định THA là không cần thiết, rườm rà về thủ tục. Đây là quy định hình thức, nhiều tầng nấc dễ bị khiếu kiện. Nếu muốn tăng cường trách nhiệm của tòa án thì chỉ cần tòa làm đúng quy định, tuyên án chính xác, bản án có sai sót thì phải giải thích, đính chính, sai sót nghiêm trọng thì phải kháng nghị.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm