Đề xuất cắm biển báo khu vực biên giới biển

Ngày 12-12, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội nghị 10 năm thực hiện Quy chế khu vực biên giới biển (Nghị định 161/2003 của Chính phủ). Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công tác tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới biển còn một số khó khăn do nghị định không quy định cắm biển báo, các điểm mốc xác định đường cơ sở chưa được đánh dấu, làm rõ trên thực địa. Do đó, người và phương tiện ra vào khu vực này khó phân biệt. Mặt khác, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng còn chồng chéo, thậm chí một khu vực có nhiều lực lượng gồm bộ đội biên phòng (BĐBP), cảnh sát biển, CSGT đường thủy, kiểm ngư cùng kiểm tra, kiểm soát, xử lý người, phương tiện nên gây bức xúc cho nhân dân…

Từ đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chính phủ cần quy định các bản đồ, hải đồ VN phát hành phải in rõ đường cơ sở, đường lãnh hải, đường tiếp giáp phía ngoài lãnh hải mà Luật Biển VN đã công bố để khẳng định chủ quyền, quyền tài phán của VN trên các vùng biển...; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành để tránh sự chồng chéo.

l Cùng ngày, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy chế trên. Tại hội nghị, Đại tá Hồ Văn Truyền, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong thời gian qua việc cấp phép cho người nước ngoài thường trú, tạm trú tại VN đến khu vực biên giới biển chưa thực hiện đúng quy định. Nguyên nhân chủ yếu là do việc đăng ký, quản lý người và phương tiện nước ngoài còn phân cấp qua nhiều lực lượng, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát. Các cơ quan có thẩm quyền cho phép người, phương tiện nước ngoài vào VN chưa phối hợp chặt chẽ, chưa cung cấp đầy đủ thông tin để cùng giám sát và theo dõi.

Theo Đại tá Truyền, những nguyên nhân trên đã dẫn đến nhiều sự việc không hay như vụ người Trung Quốc lách luật để nuôi cá trên vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong. Tuy sự việc được phát hiện từ lâu nhưng chính sự chồng chéo, thiếu phối hợp giữa các cơ quan quản lý khiến sự việc kéo dài, không rốt ráo trong xử lý. Mới đây nhất là việc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho phép tàu Việt Điện Bạch 8366 vào vịnh Cam Ranh và Vân Phong thu mua hải sản nhưng không trao đổi với BĐBP tỉnh cũng như Công an tỉnh Khánh Hòa…

Đại tá Nguyễn Viết Định, Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, cũng nhận xét công tác trao đổi thông tin giữa công an và BĐBP chưa thường xuyên, chưa có sự gắn kết, nhất là trong kiểm soát khách xuất, nhập cảnh qua đường biển và cư trú tại địa bàn ven biển. Điển hình trong năm 2011, có một số người nước ngoài đến hoạt động nuôi trồng, thu mua hải sản tự do, trái mục đích nhập cảnh, không khai báo tạm trú trong thời gian dài nhưng giữa hai lực lượng chưa có sự trao đổi thông tin, phối hợp xử lý.

L.XUÂN - T.KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm