BỘ CÔNG AN ĐỀ XUẤT TĂNG THÊM CHỦ THỂ TRUY NGUỒN TIN BÁO CHÍ

Đi ngược xu thế phát triển!

Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. Theo quy định này, báo chí chỉ có nghĩa vụ tiết lộ nguồn tin để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử một vụ án hình sự có tội danh rơi vào khung hình phạt từ bảy năm tù giam trở lên.

Đòi quyền thẳng vào Luật Báo chí

vừa qua, khi trả lời câu hỏi của cử tri tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Ngãi về việc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả cao, Bộ Công an cho biết sẽ “nghiên cứu sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng cho phép thêm thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp cũng có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Theo “hướng” mới này của Bộ Công an, nếu được đưa vào luật thì ngoài các đối tượng được quy định tại Điều 7 Luật Báo chí, sẽ có thêm hàng ngàn “thủ trưởng cơ quan điều tra” được phép truy nguồn tin của báo chí. Bởi vì chỉ tính riêng lực lượng CAND đã có hàng trăm cơ quan điều tra trải rộng trên toàn quốc: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gồm có nhiều cục; cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh gồm có nhiều phòng và cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện gồm có nhiều đội. Ngoài ra, khái niệm “cơ quan điều tra” còn bao gồm cả các đơn vị điều tra của quân đội, của kiểm lâm, cảnh sát biển, hải quan…

Điều đáng nói là Bộ Công an không đi “đường vòng” như những đề xuất trước đây như dự thảo Luật Tố cáo hay dự thảo sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng mà đòi quyền thẳng vào Luật Báo chí, đặt các “thủ trưởng cơ quan điều tra” có quyền tương đương viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh trở lên.

Đi ngược xu thế phát triển! ảnh 1

Người tố cáo rất tin tưởng báo chí

Thực tế quy định này tác động đến nhà báo một phần thì tác động đến những người cung cấp tin cho báo chí 10 phần. Theo báo cáo nghiên cứu “Thách thức và cơ hội đối với báo chí chống tham nhũng cấp tỉnh” (do nhóm chuyên gia tư vấn của Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh - DFID thực hiện hồi cuối năm 2012), báo chí hiện tiếp cận thông tin từ sáu chủ thể, gồm: Các cơ quan hành chính, các cơ quan tư pháp, các cơ quan dân cử, các tổ chức độc lập, các chuyên gia độc lập và người tố cáo. Trong đó người tố cáo là một trong những chủ thể quan trọng nhất bởi họ thường là những người cung cấp các thông tin liên quan đến hành vi tham ô, tham nhũng, cố tình làm trái pháp luật để trục lợi của một bộ phận quan chức. Bởi vậy, những người tố cáo cũng là đối tượng gặp nhiều nguy hiểm nhất và cần phải được bảo vệ nhiều hơn cả.

Báo cáo này cho biết kết quả khảo sát hơn 100 nhà báo điều tra ở 12 tỉnh, thành chỉ ra rằng người tố cáo vẫn còn rất tin cậy kênh thông tin báo chí. Thậm chí “nhiều người tố cáo còn tin tưởng báo chí hơn cả các cơ quan điều tra và họ sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí chứ không phải các cơ quan điều tra”. Cụ thể, 61% nhà báo được hỏi cho biết các nhân chứng, người tố cáo rất tin tưởng ở báo chí. 31% cho rằng sự tin cậy chỉ ở mức “vừa vừa”. Chỉ 8% nhà báo được hỏi cho rằng nhân chứng, người tố cáo không tin hoặc đã mất lòng tin ở báo chí.

Cùng thời điểm với nghiên cứu trên, kết quả khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam với trên 5.000 mẫu (gồm cán bộ công chức, người dân và doanh nghiệp) cũng cho biết nhiều thành phần xã hội đều đánh giá rằng báo chí đi trước cơ quan pháp luật trong phanh phui hành vi tham nhũng.

Biểu đồ dưới đây cho thấy vai trò của báo chí trong việc giúp đấu tranh chống tham nhũng (tỉ lệ % thể hiện sự đồng ý cao của cán bộ công chức và doanh nghiệp). Theo biểu đồ này, tỉ lệ cán bộ công chức và doanh nghiệp cho rằng báo chí chủ động phát hiện được nhiều vụ việc tham nhũng trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc lần lượt là 82% và 83,6%. Tỉ lệ cán bộ công chức và doanh nghiệp cho rằng nhờ có cơ quan truyền thông báo chí gây sức ép nên các cơ quan chức năng phải xử lý nhiều vụ việc tưởng chừng như đã bị “chìm xuồng” còn lên tới 87,4% và 86%.

Như vậy, có thể thấy công chúng và bạn đọc vẫn còn rất tin tưởng báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra chống tham nhũng. Cũng chính sự tin tưởng này là động lực khiến họ trở thành nguồn tin quan trọng và giữ vai trò quyết định đối với hoạt động tác nghiệp của báo chí.

Báo cáo của DFID 2012 khẳng định: “Vai trò hỗ trợ của công chúng diễn ra ở tất cả các khâu trong quá trình tác nghiệp của nhà báo, bao gồm khâu thu thập thông tin, xử lý thông tin, xuất bản và nhận phản hồi. Trong một số trường hợp cụ thể, công chúng là người có vai trò chủ chốt quyết định sự thành công của một vụ việc như là người cung cấp thông tin chính, thậm chí là cung cấp những thông tin giúp báo chí lật ngược tình huống, phanh phui sự thật đồng thời trực tiếp bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp,…”.

Đi ngược xu thế phát triển! ảnh 2

Đi ngược xu hướng phát triển!

“Nguồn tin là yếu tố sống còn đối với báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra chống tham nhũng. Nếu nhà báo, cơ quan báo chí “bán đứng” nguồn tin cho bên thứ ba, dù là đối tượng nào thì cũng không ai dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa” - đó là nhận định của nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức” do báo Pháp Luật TP.HCM, Trung tâm MEC và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 15-10-2012. Tại hội thảo này, đại diện Hội Nhà báo và các chuyên gia pháp lý cũng cho biết “bảo vệ nguồn tin” là quyền và nghĩa vụ cơ bản của nhiều nền báo chí trên phạm vi toàn thế giới. Hầu hết các quốc gia có nền báo chí phát triển đều có quy định cho phép các nhà báo có quyền tuyệt đối trong việc bảo vệ các nguồn tin của họ. Thậm chí tại một số quốc gia như Nhật Bản, Thụy Điển, Canada, quyền và nghĩa vụ này còn được đưa vào Hiến pháp.

Tại Việt Nam, quyền này cũng đã được quy định tại Điều 7 Luật Báo chí và được thừa nhận từ lâu. Quyền và nghĩa vụ này của báo chí đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng tìm cách can thiệp thông qua việc đề xuất sửa đổi các quy định liên quan trong dự thảo Luật PCTN và Luật Tố cáo nhưng đều bị Quốc hội bác bỏ. Đến thời điểm này, Bộ Công an lại tiếp tục đưa ra một đề xuất mà về bản chất không khác nhiều so với hai đề xuất ở trên nhưng lại có phần nghiêm trọng hơn khi đề nghị sửa thẳng Luật Báo chí và trao quyền cho chính mình được phép can thiệp sâu hơn vào Luật Báo chí.

Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp người tố cáo bị đe dọa, dằn mặt, thậm chí là trả thù đẫm máu (như Nghệ An là điển hình) sau khi tên tuổi của họ được công khai. Vì vậy, trước thông tin nếu dự kiến sẽ có thêm hàng ngàn người (là thủ trưởng cơ quan điều tra) có quyền truy nguồn tin báo chí thì nỗi lo về việc thông tin bị lộ và những người tố cáo bị trả thù sẽ còn xảy ra nhiều hơn. Hơn thế, những nhà báo đang tác nghiệp trong lĩnh vực điều tra chống tham nhũng còn lo ngại nguy cơ người dân không muốn hợp tác với báo chí nữa…

Quốc hội từng bác bỏ nhiều đề xuất truy nguồn tin báo chí

Trước đây Quốc hội đã từng bác bỏ những đề xuất tương tự về việc trao quyền truy nguồn tin báo chí cho thêm nhiều đối tượng hơn so với Luật Báo chí hiện hành.

Cụ thể, khoản 4 Điều 101 dự thảo sửa đổi Luật PCTN được trình Thường vụ Quốc hội hồi tháng 10-2012 có quy định cơ quan báo chí, phóng viên phát hiện hoặc đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu của cơ quan Kiểm tra Đảng, cơ quan Thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan kiểm toán Nhà nước. Khi thông qua dự thảo này, Quốc hội đã bỏ quy định kể trên.

Trước đó, dự thảo Luật Tố cáo cũng có quy định buộc cơ quan báo chí phải chuyển đơn thư tố cáo nhận được cho cơ quan chức năng, thay vì cho xác minh, đăng tải. Điều khoản này cuối cùng cũng không được Quốc hội thông qua.

Về vấn đề này, báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia DFID nhận định: “Các hành động kể trên đã thể hiện khá rõ tư duy trói buộc báo chí của các cơ quan nhà nước khiến các cơ quan báo chí, nhà báo gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình đấu tranh PCTN. Tâm lý muốn can thiệp vào hoạt động báo chí đã kéo dài từ lâu, xuất phát từ thực tế là các cơ quan báo chí của Việt Nam đều thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước...”.

ĐH

Báo chí đã nhiều lần từ chối việc công an truy nguồn

Năm 2010, báo Pháp Luật TP.HCM có loạt bài phản ánh dấu hiệu trốn thuế tại một công ty xăng dầu ở tỉnh Tiền Giang. Vụ việc có liên quan đến việc một lãnh đạo công an đề nghị không khởi tố vụ án. Cơ quan công an tỉnh đã yêu cầu báo Pháp Luật TP.HCM cung cấp nguồn tin. Nhận thấy đây là một yêu cầu làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật nguồn tin và vi phạm Luật Báo chí nên báo đã từ chối. Sau khi báo phản ánh, vụ việc được cơ quan chức năng vào cuộc. Bốn tháng sau vụ án trốn thuế đã được khởi tố để điều tra.

 Năm 2012, một số tờ báo phản ánh các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất rừng tại dự án của một công ty tại tỉnh B. Có nhiều cán bộ liên quan dự án này. Sau đó Công an tỉnh Bình Phước cũng đã đến các báo đề nghị cho biết “danh tính” người đã cung cấp thông tin. Đề nghị này cũng bị các báo từ chối.

  Nhà báo Nguyễn Tân Tiến - báo Người Lao Động kể: “Một lần tôi viết loạt bài phản ánh việc giả hồ sơ, tài liệu của cơ quan nhà nước để xây dựng trái phép hàng loạt căn nhà tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Công an quận cử cán bộ đến yêu cầu báo Người Lao Động và bản thân tôi cho biết ai là người cung cấp thông tin. Tất nhiên tôi và cấp trên của tôi không đồng ý vì đó là vi phạm Luật Báo chí”.

ĐỖ HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm