PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC:

DNNN phải làm gương không tham nhũng

Chuẩn bị cho hội nghị các nhà tài trợ quốc tế với VN, ngày 12-11, Chính phủ (CP) đã có cuộc đối thoại với lãnh đạo các đại sứ quán, tổ chức quốc tế về phòng, chống tham nhũng (PCTN). Thông điệp mà các bạn quốc tế mang tới là VN đã có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện thể chế, pháp luật về PCTN nhưng quan trọng hơn là tất cả phải được thực thi có hiệu quả trên thực tế.

Điệu tango cho chống tham nhũng

Bà Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, nhận xét rằng thời gian qua, thực thi pháp luật, bao gồm cả các quy định về PCTN, vẫn còn những hạn chế. Tương tự, đại diện Đan Mạch, New Zealand, Thụy Điển đều nhấn mạnh tầm quan trọng của thực thi pháp luật, thay vì ban hành ra mà không đưa vào triển khai trên thực tế. Đại diện New Zealand còn cho rằng nếu chống tham nhũng không tốt thì VN không thể khai thác được hiệu quả từ các hiệp định thương mại mà mình đã ký kết hoặc đang đàm phán.

Các nhà tài trợ quốc tế cũng khuyến nghị CP khuyến khích, đảm bảo an toàn cho người dân, báo chí tham gia tích cực vào tố giác tham nhũng, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, bất công. Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế PCTN theo hướng mở rộng sang khu vực tư, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp (DN) cùng tham gia.

Giống điệu tango phải có hai người, đại diện từ đại sứ quán Đan Mạch ví von chống tham nhũng ở VN không thể chỉ mãi nhằm vào người nhà nước - bên “cầu” của tham nhũng, mà cần thêm nỗ lực tập thể từ phía DN, người dân như là bên “cung” tham nhũng.

Không thể hành động đơn lẻ

Lắng nghe và hoan nghênh ý kiến của các bạn quốc tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới một số điểm mới trong công tác PCTN từ giữa hai kỳ đối thoại, trong đó đáng chú ý là Tổng Bí thư đã nhận trọng trách làm trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Ngoài ra, hiện các cơ quan pháp luật đang đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án lớn, xử nghiêm cán bộ, quan chức tham nhũng.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận PCTN hiện còn hạn chế là chưa điều chỉnh mạnh tới khu vực tư. “Trước nay, nhận thức xã hội thường cho rằng DN là nạn nhân của tham nhũng. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy một thực tế khác. Nhiều DN thường chủ động hối lộ nhằm đạt được lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh hoặc để trốn tránh trách nhiệm khi có sai phạm” - Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy, ông Phúc cho rằng một mặt cần xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhũng nhiễu đòi hối lộ, mặt khác răn đe với người đưa hối lộ, nghiêm khắc với những DN sử dụng tiền bạc như công cụ cạnh tranh, tạo nên những nhóm lợi ích đi ngược lại với giá trị chung.

Phó Thủ tướng kêu gọi mỗi DN phải tạo bản sắc riêng của mình, trong đó cam kết trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và thực hành liêm chính phải được coi là giá trị cốt lõi. Nhưng chỉ một vài DN đơn lẻ thì sẽ khó thành công, thậm chí có thể bị phân biệt đối xử. Vì vậy, ông Phúc cho rằng Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cùng các hội đoàn của giới doanh nhân cần đề xuất, tổ chức thực hiện các sáng kiến trong cộng đồng để các DN cùng hành động, thực hiện liêm chính. “Trong quá trình ấy, DNNN phải làm gương. Lãnh đạo không được có sân sau để làm ăn, không móc nối với bên ngoài để biến của công thành của riêng, tuyệt đối không được dùng tiền bạc để tiêu cực, tham nhũng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc tới vai trò của DN trong PCTN, Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan ngoại giao các nước tỏ thái độ với các DN trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang có dấu hiệu gian lận trong kinh doanh, chuyển giá, trốn thuế, vi phạm chuẩn mực môi trường. Khu vực này cũng cần phải tôn trọng pháp luật VN và thực thi liêm chính trong hoạt động làm ăn của mình.

Cân nhắc hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân

Các nghiên cứu, khảo sát cả trong nước và quốc tế đều cho thấy sự liên quan của khu vực tư nhân tới tham nhũng là khá nghiêm trọng, diễn ra ở tất cả lĩnh vực kinh tế-xã hội. Hiện chúng ta đang nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự và tới đây là Luật PCTN, vì vậy Thanh tra CP đề nghị đưa vấn đề hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân vào để PCTN được toàn diện hơn. Ngoài ra, phải có hành lang pháp lý chặt chẽ, bao quát như vậy thì mới xử lý được các vụ việc phát sinh.

Ông HUỲNH PHONG TRANH, Tổng Thanh tra Chính phủ

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm