Doanh nghiệp đang “bảo mật” thông tin thưởng tết

Những năm trước, bước vào đầu tháng 12, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động lên kế hoạch thưởng tết cho người lao động. Mức thưởng dao động từ một đến ba tháng lương. Tuy nhiên, năm nay nhắc đến chuyện lương, thưởng tết hầu hết các DN đều dè dặt: “Tình hình tài chính DN hết sức khó khăn nên chưa gút được mức thưởng cụ thể đối với tất cả bộ phận”.

Pou Yuen: Không thấp hơn năm ngoái

Tổng giám đốc một công ty cổ phần chuyên kinh doanh bột mì tại TP.HCM cho biết tình hình kinh doanh trong năm không mấy thuận lợi, nên chưa thể nói được mức thưởng trong thời điểm này đối với người lao động. Trong khi đó, đại diện một số công ty trong lĩnh vực gia công giày da, may mặc thì cho biết dự kiến trung tuần tháng 12 mới có thông tin ban đầu về mức thưởng tết cho người lao động.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam (chuyên sản xuất các thiết bị thể thao), với hơn 70.000 công nhân cho biết hiện DN đã xây dựng hoàn chỉnh phương án thưởng tết cho người lao động, dự kiến sẽ không thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa thể công bố mức thưởng cụ thể vì phải xem xét thận trọng hơn để đảm bảo công bằng cho người lao động.

Tuy nhiên, một số ít DN đã rục rịch kế hoạch thưởng tết. Theo ông Nguyễn Lương Hùng, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Colgate Pamolive, tùy theo từng cấp độ mà mức thưởng tết năm nay dao động từ một đến ba tháng lương, cá nhân xuất sắc sẽ được nhận thưởng ba tháng lương, còn trung bình là hai tháng lương. Mức lương ở DN này từ 10 đến 40 triệu đồng/tháng, tùy từng cấp độ.

Doanh nghiệp đang “bảo mật” thông tin thưởng tết ảnh 1

Mức thưởng tết của công nhân ảnh hưởng đến sức mua thị trường vào cuối năm. Ảnh: HTD

Thép: Tối thiểu một tháng lương

50.000 là số DNđã tuyên bố phá sản trong cả nước. 50.000 DN khác nằm trong diện có thể khai tử bất kể lúc nào nếu không có chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ. Khối các đơn vị gặp khó khăn chủ yếu rơi vào giới DN vừa và nhỏ thuộc hầu hết các ngành, hàng, lĩnh vực.(Theo VNE)

Giám đốc tài chính một tập đoàn thép cho hay: “Chúng tôi dự kiến sẽ thưởng tết cho người lao động một tháng lương 13 (dao động từ 4,5 đến 12 triệu đồng/người, tùy vị trí công việc). Thay vì các năm trước mức thưởng của chúng tôi cho người lao động từ năm đến sáu tháng lương”. Theo vị giám đốc tài chính này, đối với ngành thép cuối năm là thời điểm rất khó khăn kinh doanh nên sẽ không hy vọng có mức thưởng cao hơn. Trong khi đó, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tự tin: “DN thép không gặp khó khăn khi tính mức thưởng tết!”. Theo đó, lương của lao động trực tiếp các DN FDI thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam thường ở mức khá cao, vào khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Mức thưởng tết của các lao động này thường cũng dao động vào khoảng một tháng hoặc hơn một tháng lương, tùy thuộc vào lợi nhuận của DN mỗi năm.

Còn ông Ngô Chí Hùng, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, cho biết mặc dù kinh tế khó khăn nhưng đa số các DN thuộc khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội đều có kế hoạch duy trì mức thưởng một tháng lương.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các khu khu công nghiệp và khu chế xuất TP.HCM (Hepza), cho biết đã gửi thông báo đến 1.000 DN yêu cầu báo cáo lương, thưởng tết nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào báo cáo. Theo ông Lâm, thời hạn chót để các DN báo cáo vẫn còn khá dài (ngày 15-12).

DN nên công khai và thỏa thuận mức thưởng tết với lao động

Theo nghiên cứu của chúng tôi tiến hành vào năm 2010 thì 70%-80% các cuộc đình công có lý do bắt nguồn từ lương, thưởng. Thực tế là người lao động nhiều khi đình công hoặc chuyển việc chỉ vì mức thưởng tết của DN mình thấp hơn DN bên cạnh hoặc thấp hơn mức thưởng năm ngoái vài trăm ngàn đồng. Nguyên nhân sâu xa của việc đình công thực ra lại không phải là mức thưởng cao hay thấp, mà do lao động bức xúc vì cảm thấy bị đối xử không công bằng.

Theo tôi, các DN nên công khai mức thưởng tết. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nếu mức thưởng năm nay không bằng năm ngoái, DN nên thông tin cho người lao động, thương lượng để người lao động có sự chia sẻ với DN.

PGS-TS NGUYỄN HOÀNG ÁNH, Giảng viên ĐH Ngoại thương, Giám đốc Trung tâm Hợp tác châu Á, Thái Bình Dương

P.ĐIỀN - B.PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm