Đối thoại Cồn Dầu: Chờ Thủ tướng kết luận

Sáng 17-9, đoàn liên ngành trung ương do Bộ TN&MT chủ trì cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đối thoại với đại diện của 62 hộ giáo dân Cồn Dầu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) về các khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất, cưỡng chế và bố trí tái định cư (TĐC) tại dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.

Đây là vụ khiếu kiện tập trung, kéo dài nhiều năm nay; chính quyền cũng đã trực tiếp đối thoại với các hộ dân nhưng hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói đồng thuận và người dân đã khiếu kiện vượt cấp tới các cơ quan trung ương.

Dân bức xúc nhiều điều chưa phù hợp

Tại buổi đối thoại, đại diện các giáo dân ở Cồn Dầu tiếp tục trình bày sự không đồng tình về mức áp giá bồi thường và cho rằng thời điểm áp giá chưa phù hợp. Theo ông Huỳnh Ngọc Trung (tổ 21), căn cứ theo các quy định hiện hành thì các hộ dân phải được nhận tiền bồi thường nhiều hơn. “Năm 2011, TP quyết định thu hồi đất để giao cho Tập đoàn Sun Group nhưng lại áp giá đền bù vào thời điểm năm 2008 (thời diểm công bố quy hoạch) là chưa phù hợp. Đề nghị việc áp giá bồi thường phải sát với giá thị trường tại thời điểm bàn giao mặt bằng” - ông Trung nêu ý kiến.

Ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng (trước đây là chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ), trao đổi với hộ ông Trần Quang Anh (tổ 21, giáo xứ Cồn Dầu). Ảnh: LÊ PHI

Các giáo dân Cồn Dầu cho rằng họ phải được bố trí TĐC tại chỗ (trong phạm vi của dự án này) và không bằng lòng với việc chuyển tới một khu TĐC khác như hiện tại. Ông Trần Quang Anh (tổ 21) lập luận: Trong khi chủ đầu tư được phân lô, bán nền trong dự án này nhưng lại không bố trí TĐC tại chỗ cho người dân là không phù hợp.

Cùng với đó, bà con cũng phản ánh chính sách hỗ trợ việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp chưa được thực hiện tới nơi tới chốn. Và sau khi bị thu hồi đất sản xuất cho dự án trên, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Ông Nguyễn Quý (tổ 23) nêu ý kiến: “Từ khi giải tỏa, bốn năm nay cuộc sống của chúng tôi chao đảo. Năm 2010, tất cả đất sản xuất của các hộ dân bị san lấp, rất nhiều hộ gia đình không có đất sản xuất, rơi vào cảnh nghèo. Tuy nhiên, TP chưa xem xét hỗ trợ về việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp”.

Chính quyền nói đã làm hết cách

Trước các thắc mắc của người dân, đại diện các cơ quan chức năng liên quan của Đà Nẵng cho hay mình đã thực thi các quy trình đúng pháp luật và đã có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân Cồn Dầu ổn định đời sống.

 Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho hay: “Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là một dự án lớn, được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Dự án này không chỉ mang tính kinh tế mà còn là vì môi trường và có cơ sở pháp lý rõ ràng”. Ông Nguyễn Điểu lý giải thêm, dự án có nhiều hạng mục công trình khác nhau như xây dựng cơ sở hạ tầng, cây xanh, mặt nước, khu đất ở đô thị... Còn việc phân lô bán nền đều nằm trong quy hoạch chứ không có khu TĐC tại dự án dành cho người dân.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho rằng người dân nói chính quyền không quan tâm đến đời sống, hỗ trợ chưa thích đáng là không đúng thực tế. Vì TP đã bố trí cho người dân tại hai khu TĐC có điều kiện tốt hơn các khu còn lại, gần nhà thờ, gần các trường học... Theo ông Chương, khu nghĩa trang trước đây có diện tích 1,7 ha nay chuyển đến vị trí mới ở Hòa Sơn được mở rộng lên 4 ha, TP hỗ trợ trên 500 triệu đồng để xây dựng tường rào, thánh giá. Ngoài ra, chính quyền còn giao thêm 3.200 m2 đất để mở rộng nhà thờ; giao gần 1.500 m2 để bà con Cồn Dầu mở rộng nhà nguyện. Ngoài các chế độ theo quy định, UBND TP Đà Nẵng còn hỗ trợ thêm cho 156 hộ dân Cồn Dầu trên 3,2 tỉ đồng.

Trong khi đó, ông Phan Tấn Truyền, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng, cho hay xét ở góc độ nào đó thì việc bố trí TĐC hiện nay cho các hộ dân Cồn Dầu vẫn là bố trí tại chỗ vì khu TĐC này nằm ngay trong phường Hòa Xuân. Ông Truyền đề nghị các hộ dân cần nhận thức đầy đủ, tạo sự đồng thuận, không nên khiếu kiện kéo dài mà nên giúp sức để TP phát triển đi lên.

Kết thúc cuộc đối thoại kéo dài ba giờ 30 phút, đại diện của 62 hộ giáo dân Cồn Dầu khiếu kiện và chính quyền TP Đà Nẵng vẫn chưa đi đến một kết quả cuối cùng. Vụ khiếu kiện kéo dài nhiều năm nay vẫn phải chờ kết luận cuối cùng của Thủ tướng.

LÊ PHI

Rà soát để xem xét hỗ trợ thêm

Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết ở phường Hòa Xuân đã có nhiều hộ dân đi đến nơi ở mới và hầu hết đời sống được nâng lên. Đối với dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đây là chủ trương lớn của TP nhằm thúc đẩy sự phát triển khu vực phía tây nam. “Vì sự phát triển chung của TP, đề nghị các hộ dân đang khiếu kiện và chính quyền TP cần cùng nhau hợp tác để sớm hoàn thành dự án” - ông Chiến nói và đề nghị các đơn vị liên quan rà soát lại số thửa, xem xét những thiệt thòi của người dân trong bồi thường, TĐC để đề xuất cho TP có hướng hỗ trợ thêm.

Ông Võ Văn Thương (Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) cho biết phường Hòa Xuân được triển khai 11 dự án với tổng diện tích quy hoạch là 1.100 ha. Trong đó, dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời, gọi tắt là Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư) được công bố quy hoạch năm 2008 với quy mô 437 ha. Dự án di dời và giải tỏa hẳn trên 2.000 hộ dân với 2.788 hồ sơ nhà, đất và 200 ha đất nông nghiệp. Riêng khu vực giáo dân Cồn Dầu có 420 hộ với 998 hồ sơ, đã bàn giao 335 hộ (915 hồ sơ) và hiện còn 85 hộ chưa bàn giao, trong đó có 62 hộ khiếu nại, 23 hộ đang chờ để bàn giao mặt bằng.

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT, Phó Trưởng đoàn công tác liên ngành, cho rằng trong quá trình thực hiện dự án, chính quyền TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đã đem lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không tránh khỏi sai sót dẫn đến việc nhiều người dân khiếu nại. 62 hộ dân Cồn Dầu khiếu nại đã được một số cơ quan ở trung ương tiếp, xử lý nhưng chưa ngã ngũ. “Vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT cùng các ngành liên quan đến kiểm tra, rà soát, đối thoại với các hộ khiếu kiện để làm rõ các vấn đề liên quan. Đoàn công tác lập biên bản, ghi nhận tất cả ý kiến của các bên trong buổi đối thoại. Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu thu thập và kết quả buổi đối thoại này. Đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đối chiếu với các chính sách pháp luật hiện hành, đề xuất biện pháp giải quyết với bộ trưởng Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” - ông Yên cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm