Dự án Bình Quới - Thanh Đa sắp thoát "treo"?

“Nhiều giám đốc sở trả lời còn chung chung, tính tổng hợp, khái quát chưa cao, thậm chí còn đổ lỗi cho lịch sử.... Theo tôi, phiên chất vấn và trả lời hôm nay mới chỉ như cuộc khám tổng quát. Cần phải nghiên cứu, triển khai giải quyết ngay những bức xúc của đại biểu, cử tri”. Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP, nhận xét khi kết thúc phiên chất vấn chiều 10-12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP (khóa VII) .

Không chỉ Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)... mà Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài cũng đăng đàn trả lời chất vấn.

Gánh nặng dự án “treo” Thanh Đa

Đại biểu Trần Thị Ngọc Anh hỏi: “Dự án Bình Quới-Thanh Đa “treo” 17 năm rồi mà Sở KH&ĐT vẫn nói “còn đang trong giai đoạn chọn nhà đầu tư” thì khi nào mới chọn được, không lẽ “treo” hoài?”.

Dự án Bình Quới - Thanh Đa sắp thoát "treo"? ảnh 1

Do bị “treo” nên nhiều nhà dân trong dự án Bình Quới-Thanh Đa vẫn còn lụp xụp, không thể mua bán, sửa chữa được. Ảnh: HTD

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa vặn: “Dự án chưa có quy hoạch chi tiết, chưa định hình mà chờ tới khi thiết kế xong thì còn rất lâu. Tôi không tin năm năm nữa có thể triển khai được dự án này. TP phải có ngay biện pháp tháo gỡ”. Ông tiếp: “Đề nghị giám đốc Sở phải trả lời rõ. Chúng tôi là tổ đại biểu quận Bình Thạnh, mỗi khi tiếp xúc cử tri ở đây tôi thấy như mình có lỗi. Bắt dân phải chờ tới 17 năm mà chưa biết khi nào mới làm. Xin hỏi: Dự án này có làm nữa hay không? Làm thì bao giờ xong?”.

Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Văn Rê nói: “Tháng 7-2007, UBND TP mới có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/2000 cho dự án này và có hai, ba nhà thầu xin làm chủ đầu tư. Sở đang nghiên cứu, chọn nhà đầu tư để tham mưu cho TP. Do đó, nếu nói Sở làm dự án này “treo” tới 17 năm thì oan cho Sở. Sở chỉ mới tham gia từ giai đoạn đấu thầu chọn nhà đầu tư. Do đó, xin nhờ Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài trả lời”.

Lúc này, ông Tài giải thích: Từ năm 1992, UBND TP có thông báo khu vực này không được xây dựng để quy hoạch làm khu đô thị mới. Mãi tới năm 2004, TP mới có quyết định giao đất cho chủ đầu tư. Đến năm 2007, TP mới phê duyệt quy hoạch 1/2000. Theo quy định, khi có quyết định giao đất, người dân không được chuyển nhượng.

Giờ TP thấy chủ đầu tư không đủ năng lực nên đã cắt. Lẽ ra phải thu hồi ngay quyết định giao đất cho chủ đầu tư nhưng TP chưa làm là thiếu sót. Ngay sau kỳ họp này, UBND TP sẽ họp để giải quyết hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư, nhà nước và người dân” - ông Tài khẳng định. “Tôi thấy như trút được gánh nặng mắc nợ từ lâu với người dân Thanh Đa” - ông Nghĩa nói.

Đê bao Sài Gòn: Cuối năm 2010 sẽ xong

Với công trình đê bao bờ hữu ven sông Sài Gòn kéo dài từ rạch Vàm Thuật (quận 12) đến tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi), đại biểu Phạm Văn Hải chất vấn: “Vì sao tiến độ thi công chậm dù đền bù xong, người dân đã bàn giao đất cho đơn vị thi công? Việc chậm trễ làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con ở đây. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?”.

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT, trả lời: “Dự án bờ hữu sông Sài Gòn được phê duyệt từ năm 2006. Tuy nhiên, gần bốn năm qua, dự án này vẫn chưa xong là có một phần trách nhiệm của Sở”. Ông Liêm hứa: Cuối năm 2010 sẽ hoàn thành hệ thống đê bao Sài Gòn, không chậm nữa. Nghe đến đây, đại biểu Hải nói: “Hứa với dân thì phải làm cho được, nếu không thì chúng tôi rất khó ăn nói với cử tri”.

Câu chuyện cấm vẽ logo doanh nghiệp trên hàng ngàn xe tải tại TP.HCM cũng được đại biểu Đặng Văn Khoa chất vấn. Tuy nhiên, câu hỏi này không được giám đốc Sở Công thương trả lời...

Sáng 11-12, HĐND TP họp phiên bế mạc và thông qua nghị quyết quan trọng về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2010.

TRỌNG MẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm