Dự thảo quy chế quản lý báo chí ở Cần Thơ: Nhiều điểm sai Luật Báo chí

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ có quyền yêu cầu đương sự (nhà báo) cung cấp chứng cứ và thanh tra, kiểm tra văn phòng đại diện cơ quan báo chí, nhà báo... Đó là quy định trong dự thảo Quy chế quản lý báo chí trên địa bàn TP Cần Thơ do Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ vừa soạn thảo.

Năm trang dự thảo quy chế có nhiều điều mục nhà báo bị trói buộc khá khắt khe. Điều 6 quy chế ghi: Thanh tra Sở thực hiện chức năng “thanh tra, kiểm tra hoặc chủ trì phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hoạt động báo chí đối với cơ quan báo chí, nhà báo trên địa bàn”, “có quyền kiến nghị, yêu cầu các đương sự, các bên liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ”.

Nhận định về vấn đề trên, một số nhà báo bức xúc: Theo quy định của Luật Báo chí, chỉ có VKSND cùng cấp với cơ quan báo chí mới có quyền yêu cầu cung cấp chứng cứ để phục vụ tố tụng. “Nếu như thế, ai dám cung cấp thông tin cho nhà báo nữa?” - một phóng viên nói.

Việc tham dự họp báo định kỳ hàng quý của các văn phòng đại diện báo cũng chặt chẽ không ngờ. Lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương, trưởng văn phòng đại diện báo chí trung ương, địa phương khác “có trách nhiệm tham dự đầy đủ, đúng đối tượng và thời gian quy định. Vắng mặt phải báo cáo bằng văn bản và nói rõ lý do cho Văn phòng UBND TP biết trước 4 giờ làm việc”.

Nhiều phóng viên khi đọc dự thảo đã cho rằng quy định phóng viên báo chí khi đưa tin về chủ trương, chính sách và các quyết định của thành phố phải căn cứ vào nguồn tin chính thức là người phát ngôn hoặc người có thẩm quyền là chưa đầy đủ, không phù hợp với quy định của Điều 15 Luật Báo chí và Điều 8 Nghị định 51 quy định về quyền của nhà báo.

Kế đến, điều 13 dự thảo còn khẳng định: Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú vi phạm các quy định về họp báo ba lần/năm; vi phạm chế độ báo cáo định kỳ hàng năm mà không có lý do chính đáng thì có thể bị xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Trong khi đó, Luật Báo chí, Nghị định 51 năm 2002 của Chính phủ và Thông tư 13 năm 2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định văn phòng đại diện, phóng viên thường trú bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động khi vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Đại tá, nhà báo Bùi Văn Bồng, Trưởng văn phòng Báo Quân Đội Nhân Dân tại Cần Thơ:

Sở không nên can thiệp sâu

Hơn bao giờ hết, cơ quan báo chí và nhà báo trên địa bàn TP Cần Thơ phải hoạt động đúng theo Luật Báo chí đã quy định. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi đọc dự thảo Quy chế quản lý nhà nước về hoạt động báo chí trên địa bàn TP Cần Thơ. Quy định Sở thanh tra, kiểm tra nhà báo và yêu cầu cung cấp chứng cứ là không chấp nhận được. Nhà báo phải hoạt động ra sao đã có Luật Báo chí và các văn bản chi tiết, hướng dẫn quy định cùng các quy định về trách nhiệm hình sự, dân sự. Họ cũng phải chịu sự quản lý trực tiếp của ban biên tập. Sở không nên can thiệp quá sâu vào nghiệp vụ của nhà báo.

Theo tôi, việc quy định họp báo là không cần thiết. Cứ tương tự như quy định này của TP Cần Thơ thì chẳng lẽ các báo, đài đóng tại Hà Nội không dự họp báo, không báo cáo tình hình nhân sự... thì cũng bị Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội tạm đình chỉ hoặc rút giấy phép sao?

Nhà báo Hoàng Trí Dũng, Trưởng văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Cần thơ:

Sở muốn “ôm” quyền lực?

Cách nay một tuần, Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Cần Thơ đã nhận bản quy chế hoạt động báo chí do Sở Thông tin và Truyền thông chuyển đến bằng đường e-mail yêu cầu góp ý. Sở nêu rõ: “Nếu sau 31-5-2009 không có ý kiến góp ý xem như cơ quan báo chí đã đồng ý”. Các đồng nghiệp khác cũng nhận văn bản qua e-mail.

Tôi rất ngạc nhiên về cách làm việc này. Trước hết, tôi nhất trí cao với việc lãnh đạo thành phố có chủ trương ban hành quy chế về quản lý báo chí trên địa bàn. Tuy nhiên, tôi thấy cách làm của Sở Thông tin và Truyền thông dường như chưa xem trọng các cơ quan báo chí và người làm báo. Tại sao một quy định liên quan đến hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí và các nhà báo trên địa bàn mà Sở lại không tổ chức một cuộc họp nghiêm túc để nghe anh em góp ý. Góp ý qua e-mail thì làm sao phản biện, xác suất tiếp thu ra sao?

Các điều khoản trong quy chế này có rất nhiều điểm cần bàn. Chẳng hạn, Chương 2, điều 5 ghi: “Lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương, trưởng văn phòng phải tham gia họp báo đầy đủ. Vắng mặt phải báo cáo bằng văn bản trước 4 giờ”. Tại sao lại có quy định máy móc, lệch lạc kỳ lạ như thế? Phải chăng Sở đang muốn “ôm” quyền lực quản lý báo chí về mình? Nếu quy chế này được ban hành mà không điều chỉnh thì sẽ rất khó khăn cho các nhà báo tác nghiệp tại Cần Thơ.

Nhà báo Cao Phong, Báo Sài Gòn Giải Phóng:

Cứng nhắc!

Quy định về dự họp báo thì phải trưởng văn phòng mới được đi họp là không hợp lý. Đâu nhất thiết cuộc họp báo nào cũng đòi hỏi trưởng văn phòng đến dự. Một số báo chỉ có phóng viên thường trú, chẳng lẽ họ không đủ điều kiện dự họp báo? Sở còn yêu cầu văn phòng đại diện phải góp ý trước ngày 31-5 là thiếu khách quan và có vẻ gì đó khá vội vàng...


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Bùi Hữu Minh

Địa chỉ: 0918884..

Nội dung:

Trước đây Sở truyền thông TP. Cần Thơ đã một lần phải xin lỗi các văn phòng đại diện các báo vì có công văn yêu cầu các văn phòng phải tổng kết số liệu tin bài đã phản ánh về Cần Thơ. Nay lại có dự thảo mới, đọc xong bài báo thấy "bó tay".

ĐÀO VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm