BẾ MẠC HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ 4 VỀ BIỂN ĐÔNG

Đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở

Chiều 21-11, Hội thảo Khoa học quốc tế lần thứ 4 về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” bế mạc sau ba ngày làm việc. Trong các phiên thảo luận, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận bối cảnh và diễn biến tình hình biển Đông thời gian gần đây, xác định các nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng căng thẳng và suy giảm lòng tin trong khu vực, kiến nghị những giải pháp thúc đẩy xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác khu vực nhằm duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định chung.

Biển Đông trở thành tâm điểm chú ý

Đánh giá về tình hình chung, các học giả đều cho rằng biển Đông đang ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của các nước trong và ngoài khu vực do trọng tâm kinh tế, chính trị thế giới đang chuyển dịch về châu Á-Thái Bình Dương và do các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực đều coi biển là không gian an ninh và không gian phát triển quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho biển Đông trong những năm qua diễn biến ngày càng phức tạp.

Sự gia tăng vai trò và ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong khuôn khổ của một quốc gia tới chính sách của quốc gia đó ở biển Đông được các học giả rất quan tâm và phân tích, đánh giá. Các học giả cho rằng trong bối cảnh của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều chính quyền trung ương không còn hoàn toàn kiểm soát được mọi hành vi và chính sách đối ngoại của quốc gia đó, khiến tình hình biển Đông càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Một số học giả cũng cảnh báo các khác biệt lợi ích giữa các nước thành viên ASEAN sẽ là thách thức lớn nhất đối với ASEAN trong những năm tới. Nếu ASEAN không duy trì được đoàn kết nội khối, vai trò của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực sẽ sụt giảm thì lợi ích của các nước thành viên ASEAN sẽ bị phớt lờ.

Đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở ảnh 1

Từ trái qua: GS Tô Hạo, GS Cartyle A. Thayer và GS Ngô Vĩnh Long cùng tham gia trả lời báo chí bên lề hội thảo chiều 21-11. Ảnh:  N.NAM

Minh bạch việc hiện đại hóa quân đội

107 là số lượng ý kiến thảo luận tại hội thảo lần này, nhiều nhất trong bốn lần tổ chức hội thảo.

Để giải quyết tranh chấp ở biển Đông hiện nay, GS Cartyle A. Thayer đến từ Úc nhận định: “Các quốc gia liên quan đến tranh chấp biển Đông cần nghiêm túc ngồi lại đàm phán, thảo luận với nhau. Bản thân các quốc gia đều đã đạt được các tuyên bố về cách ứng xử nhưng nhìn vào cách hành xử của các lực lượng khác nhau của các bên (lực lượng hải quân, các lực lượng bán vũ trang…) đều cho thấy các hành vi vi phạm nhất định. Đặc biệt việc phát triển lực lượng hải quân dễ đẩy đến tình trạng chạy đua vũ trang làm gia tăng xung đột trong khu vực này. Vì thế, đối thoại và đàm phán là biện pháp duy nhất thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp”.

Nhiều ý kiến cho rằng trong khi tìm kiếm giải pháp lâu dài, điều cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát không để bất đồng làm nảy sinh xung đột, khủng hoảng. Do vậy, các bên cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế khu vực nhằm định hướng ứng xử của các bên trong các tình huống cụ thể, như việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Các bên cần làm rõ yêu sách của mình ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, minh bạch hóa chính sách và chiến lược quốc gia ở biển Đông, nhất là chính sách hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường lòng tin.

Đòi hỏi của Trung Quốc gây quan ngại

Trên khía cạnh pháp lý, các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật Biển 1982, theo đó vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ lãnh thổ đất liền của các quốc gia ven biển phải được tôn trọng. Đặc biệt, khi một quốc gia tham gia vào Công ước Luật Biển thì phải tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định của Công ước và từ bỏ các yêu sách lịch sử về các vùng biển của mình trước đây.

Các đại biểu cũng nhất trí rằng đường lưỡi bò và cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và gây quan ngại cho các quốc gia có liên quan. Lập luận về quyền lịch sử của Trung Quốc cũng không có cơ sở, quyền lịch sử của các quốc gia khác nếu có được thiết lập cũng phải nhường hiệu lực cho quyền chủ quyền và quyền tài phán mà Công ước Luật Biển 1982 quy định là đặc quyền cho các quốc gia ven biển. Vì vậy, tại biển Đông, sự tồn tại của yêu sách quyền lịch sử chiếm đến hơn 80% diện tích của vùng biển nửa kín này mà không dựa trên các cơ sở pháp lý, không được thừa nhận bởi các quốc gia hữu quan, chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển là sự đi ngược lại các quy định của pháp luật quốc tế.

Học giả Trung Quốc nói gì về đường lưỡi bò?

Trả lời báo chí bên lề hội thảo về việc Trung Quốc dựa trên cơ sở nào để đưa ra đường lưỡi bò, GS Tô Hạo (đến từ Trung Quốc) cho biết ông nghĩ rằng đường lưỡi bò đã tạo ra quan ngại cho các bên trong tranh chấp và cho cộng đồng quốc tế.

Ở góc độ là học giả, ông giải thích: “Đường chín đoạn (đường lưỡi bò - PV) là di sản của giai đoạn lịch sử trước. Đường chín đoạn không phải được vẽ bởi chính phủ Trung Hoa hiện tại mà do chính phủ Đài Loan trước đây vẽ. Vì thế, các quyền liên quan đến đường này là di sản của lịch sử. Vùng nước nằm phía trong đường chín đoạn không phải vùng nước Trung Quốc có chủ quyền. Vùng nước này chỉ là vùng nước Trung Quốc được đưa ra để bàn thảo với các quốc gia khác. Trong tương lai, nếu Trung Quốc và các quốc gia đạt được sự thỏa thuận với nhau thì các quốc gia có thể tiến hành khai thác chung, hợp tác với các quốc gia khác ở vùng nước này. Phải làm rõ những đảo, bãi san hô, bãi đá nằm trong đường này. Chúng ta cần đạt đến giải pháp quản lý tranh chấp lãnh thổ trước. Khi đạt được thỏa thuận này thì mới chuyển sang vấn đề quản lý tranh chấp về vùng biển”.

Đợi thống nhất hết là không tưởng

Trong các quốc gia ASEAN, có quốc gia có lợi ích trực tiếp, có nước không có lợi ích trực tiếp. Vì thế, đợi tất cả các quốc gia thành viên thống nhất một vấn đề, rồi sau đó đi đàm phán với Trung Quốc là điều không tưởng. Một số quốc gia như Việt Nam đã có nhiều nỗ lực lớn để duy trì chủ đề biển Đông trong diễn đàn ASEAN và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Thông điệp được đưa ra là nếu vấn đề biển Đông không được giải quyết thì có thể sẽ châm ngòi nổ cho những vấn đề phức tạp hơn sau này.

GS NGÔ VĨNH LONG

P.GIANG - N.NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm