Giám sát chặt hiện tượng “chạy phiếu”

. Phóng viên: Thưa ông, tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội (QH) sẽ lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh quan trọng do QH bầu hoặc phê chuẩn. Ông đã chuẩn bị gì cho công việc mới mẻ này?

Giám sát chặt hiện tượng “chạy phiếu” ảnh 1
+ Đại biểu (ĐB) QH Trương Trọng Nghĩa (ảnh): Thách thức đầu tiên là ĐB cần phải được thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, nếu không thì lá phiếu sẽ cảm tính và phiến diện hoặc hình thức.

Để tương xứng với mức độ hệ trọng của công việc này, ngoài bản tự nhận xét của người được lấy phiếu, tốt nhất là ĐB phải được cung cấp thông tin về năng lực, tư cách, đạo đức, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của những người được lấy phiếu bởi một cơ quan độc lập, có thẩm quyền. Tất nhiên, từng ĐB sẽ phải tự mình tìm kiếm thông tin, ví dụ qua báo chí, dư luận xã hội, tiếp xúc cử tri nhưng không ai có đủ điều kiện để tự mình có tất cả thông tin cần thiết cho việc lấy phiếu, nhất là cùng lúc cho 49 quan chức cao cấp như vậy.

Lợi ích của dân là trên hết

. Có ý kiến cho rằng tâm trạng e ngại, nể nang trong ĐB sẽ khó mà tránh khỏi trong đợt lấy phiếu này. Đồng thời cũng sẽ có hiện tượng “chạy phiếu”. Quan điểm của ông về những vấn đề này thế nào?

+ Theo tôi, cần phân biệt hai tình huống khác nhau: Một là những người được lấy phiếu có nhu cầu hoặc được yêu cầu tiếp xúc, trao đổi, đối thoại với ĐB để làm rõ hay giải thích về những sự việc, thông tin không chính xác, không khách quan về họ; hai là hành vi mua phiếu, “chạy phiếu”, vận động nhằm che giấu, lấp liếm khuyết điểm.

Giám sát chặt hiện tượng “chạy phiếu” ảnh 2

ĐB phải độc lập, thể hiện trách nhiệm cao của mình trong việc đánh giá tín nhiệm, chứ không thể làm cho xong chuyện. Ảnh: CTV

Trong sinh hoạt nghị trường, tôi cho rằng tình huống một là bình thường nhưng nên tổ chức thông qua QH, không nên mạnh ai nấy làm. Tình huống hai là không hợp pháp, là tiêu cực, phải bị xử lý.

Có thể cũng khó tránh khỏi tình trạng chạy chọt, vận động ở một mức nào đó, chí ít là “e ngại, nể nang”. Có những ĐB đội quá nhiều mũ, đại diện cho nhiều lợi ích, chịu nhiều sức ép nên khi cầm lá phiếu họ phải chọn lựa, thậm chí ngoài ý muốn của mình. Tất nhiên, những ĐBQH thực sự vì dân sẽ không chấp nhận điều đó và sẽ có dũng khí để đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

. Vậy QH cần có những hành động gì để người dân tin tưởng vào hiệu quả thực từ việc lấy phiếu trên?

+ Về hiệu quả, chắc chắn việc lấy phiếu sẽ có tác dụng tích cực đối với cả các quan chức lẫn ĐBQH, cử tri và cả báo chí. ĐBQH sẽ tăng cường giám sát để có thông tin chính xác khi lấy, bỏ phiếu. Cử tri sẽ tích cực phản ánh, góp ý, để cung cấp thông tin cho ĐBQH, nhất là trước các đợt lấy hay bỏ phiếu tín nhiệm. Báo chí sẽ tăng cường thông tin về việc hoàn thành nhiệm vụ của các quan chức thuộc diện lấy, bỏ phiếu tín nhiệm. Các quan chức sẽ phải thận trọng, có trách nhiệm hơn trong cương vị của mình.

Tuy việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm có thể tạo ra một sức ép hữu ích, cũng đừng kỳ vọng nó là chiếc đũa thần làm thay đổi năng lực, phẩm chất của quan chức qua một vài kỳ họp. Nâng cao năng lực, phẩm chất của quan chức cao cấp là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phải có những giải pháp mang tính hệ thống và đó mới là quyết định.

Sửa Hiến pháp: Quyết định cho thời cơ phát triển

. Một nội dung quan trọng khác của kỳ họp này là thảo luận về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992. Theo ông, chúng ta có thể đặt hy vọng sẽ có những sửa đổi gì để hình thành một bản HP thể hiện được ý chí và nguyện vọng của toàn dân?

+ Theo tôi, nhân dân mong muốn rằng sửa đổi HP phải phát huy hơn nữa những thành tựu của HP 1992, đáp ứng yêu cầu cải cách của đất nước, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sang một bước ngoặt mới, nhất là tạo động lực mới cho ba nhiệm vụ cấp thiết và hệ trọng hiện nay là tăng cường quyền con người - quyền công dân, bảo vệ chủ quyền và chống tham nhũng.

Theo cơ chế hiện nay, có nhiều thành phần tham gia vào việc sửa HP và người dân, kể cả QH, cũng chỉ là một trong những thành phần có vai trò nhất định. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tình hình đất nước hiện nay đòi hỏi phải đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, như Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã chỉ ra. Đổi mới chính trị gồm nhiều việc nhưng có một việc cấp bách là tăng cường và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân một cách thực chất, từ đó nhân dân có thêm niềm tin, động lực và khí thế vượt lên một giai đoạn phát triển mới. Không làm được điều này là đánh mất thời cơ phát triển, đất nước khó thoát khỏi tình trạng suy thoái, ách tắc hiện nay và sẽ khó khăn trong giữ vững độc lập, chủ quyền.

. Xin cảm ơn ông.

ĐBQH phải độc lập

Người bỏ phiếu tín nhiệm là đang thay mặt các cử tri để bỏ phiếu đánh giá các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Do đó, những đánh giá đòi hỏi phải khách quan, công bằng, có trách nhiệm trước cử tri và nhân dân.

Để làm được việc này đòi hỏi các ĐBQH phải có bản lĩnh, không bị chi phối bởi bất cứ một vấn đề gì. Bởi nếu bị chi phối, thiếu khách quan thì có khi dẫn đến đánh giá “không tín nhiệm” đối với người làm tốt. Như thế vô hình trung ĐB đang triệt tiêu đi tính tích cực khiến cho người bị đánh giá nản lòng, mất đi nhiệt huyết trong công việc. Ngược lại, người không làm tốt nhưng ĐB lại đánh giá “tín nhiệm cao” thì sẽ khiến cho họ chủ quan, không sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm.

Như vậy, điều quan trọng nhất là ĐB phải độc lập, thể hiện trách nhiệm cao của mình trong việc đánh giá tín nhiệm chứ không thể làm cho xong chuyện.

ĐBQH ĐINH XUÂN THẢO, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm