Giám sát khai thác khoáng sản: Báo cáo “hồng hào”, thực tế “xám xịt”

dư luận đang rất bức xúc trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm, thất thoát, lãng phí nhưng báo cáo kết quả giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Phan Xuân Dũng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) ngày 15-8 vẫn chưa chỉ rõ được những địa chỉ phải chịu trách nhiệm khi buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều sai phạm, thất thoát trong khai thác tài nguyên khoáng sản…

Thất thoát là rất lớn

Đề cập về kết quả giám sát, Ủy ban KHCN&MT cho rằng ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản, về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân thời gian gần đây được nâng lên. Một số DN đã thực hiện nghiêm túc dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Nhiều DN đã chú ý đầu tư chiều sâu vào công nghệ khai thác, chế biến, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần cải tạo từng bước cơ sở hạ tầng của các địa phương, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa...

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa thẳng thắn: “Vài năm nay, rất nhiều địa phương, nhiều vùng bức xúc về cát tặc, vàng tặc, đá tặc nổi lên khắp nơi… Nhưng đọc báo cáo thì sao lại thấy có vẻ rất bình yên”.

Giám sát khai thác khoáng sản: Báo cáo “hồng hào”, thực tế “xám xịt” ảnh 1

Hiện vẫn còn nhiều nơi khai thác quặng trái phép gây tác động xấu đến môi trường. Ảnh: Hùng Hải

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương chỉ ra rằng việc thu thuế đối với khai thác tài nguyên khoáng sản hiện đang gây thất thoát rất lớn. “Theo quy định, các đơn vị khai thác được phép tự khai sản lượng khai thác để nộp thuế. Nhưng khoáng sản ở trong lòng đất, ở dưới đáy biển sâu nên chúng ta không biết trữ lượng và khai thác thế nào. Vì thế, có khi khai thác lớn nhưng họ lại báo cáo ít để nộp thuế thấp. Do đó, chúng ta phải xem xét ngay lại việc này, ngăn chặn tình trạng lãng phí đang diễn ra” - bà Nương kiến nghị.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đề nghị cần bổ sung để báo cáo có tính thực tiễn cao, nhất là vấn đề khai thác bừa bãi, xuất khẩu khoáng sản thô… “Tôi nghe các đồng chí phát biểu thì thấy việc khai thác khoáng sản hiện nay là tệ lắm. Nhưng báo cáo lại thấy “êm quá”. Các đồng chí phải làm rõ xem trong số 4.000 giấy phép đã cấp khai thác khoáng sản là đúng hay sai, tình hình thực hiện bảo vệ môi trường thế nào?” - ông Hùng nói.

Nêu rõ địa chỉ trách nhiệm

Đề cập về trách nhiệm trong việc quản lý khai thác khoáng sản, nhiều thành viên trong Ủy ban TVQH cho rằng báo cáo giám sát quá chung chung, né chỉ địa chỉ cụ thể. “Trách nhiệm, sai phạm thuộc về ai thì không nêu được. Trách nhiệm chưa rõ ràng, ban hành văn bản chậm vì sao, trách nhiệm của bộ nào? Bao nhiêu mỏ sai phạm, sao không liệt kê ra, từ đó mới giúp các địa phương, bộ ngành thấy được trách nhiệm của mình” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị báo cáo phải phân tích rõ nguyên nhân của vi phạm, có phải do năng lực bộ máy hay cá nhân, DN, địa phương, bộ, ngành vì lợi nhuận mà bỏ qua các quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ rõ bất cập về luật là do luật chưa đi vào cuộc sống hay khâu tổ chức thực hiện chưa đáp ứng. Đặc biệt, bà Mai yêu cầu phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước, chỉ rõ quản lý cấp trung ương, bộ, ngành có trách nhiệm gì, các địa phương trách nhiệm như thế nào…

“Báo cáo đề cập chung chung thế này thì người ta chỉ thấy rằng báo cáo phản ánh là ở địa phương khác, chứ không phải địa phương mình nên không khắc phục” - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu góp ý.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì nhấn mạnh nếu căn cứ vào báo cáo rồi ra nghị quyết giám sát chỉ là những lời khuyên thì chẳng có mấy tác dụng. Đã ra nghị quyết thì phải chỉ rõ cụ thể làm cái gì, thời gian cụ thể ra sao, những ai phải làm gì. “Ví như về luật, nếu có bất cập thì phải sửa cái gì, bao giờ sửa, đơn vị nào chịu trách nhiệm sửa. Rồi hơn 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản phải làm rõ xem cái nào cấp phép sai, đúng. Nếu sai thì phải kiên quyết thu hồi, rồi cấp sai khi chưa đủ điều kiện thì xử lý cán bộ ra sao? Có cụ thể thì mới hiệu quả, mới thực sự là giám sát, còn chung chung thì không nên ra nghị quyết làm gì” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Điểm danh các bộ, ngành vắng họp

Khi thấy cuộc họp vắng nhiều đại biểu các bộ, ngành, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu báo cáo xem mời bao nhiêu đại biểu của các bộ, ngành, bao nhiêu người đi dự. Bởi theo bà Phóng, vấn đề khoáng sản là vấn đề rất quan trọng, rất lớn nhưng sao lại vắng nhiều dù được mời. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nói vai trò của các bộ trưởng là rất quan trọng nhưng lại chỉ có mấy đại diện các bộ, ngành đi họp là không được.

Kết quả điểm danh cho thấy chỉ có lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT đi họp, các bộ còn lại như KH&ĐT, NN&PTNT không có mặt. Một số bộ khác chỉ cử đại diện cấp vụ đi họp.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm