GS-TS Trần Ngọc Hiên: Xã hội dân sự sinh đôi với kinh tế thị trường

GS-TS Trần Ngọc Hiên (ảnh) từng nhiều năm là phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ năm 2007 đã được sát nhập với Học viện Hành chính quốc gia thành Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện GS giữ cương vị phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Hưởng ứng chủ đề Hội nghị Trung ương 9 là nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ thực trạng đất nước, đề ra giải pháp để phát triển bền vững, ông đã dành cho Pháp Luật TP.HCM cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề này.

Thị trường, nhà nước và xã hội dân sự

GS Hiên cho biết: “Khi thảo luận xây dựng văn kiện Đại hội X, tôi đã từng nói rằng để phát triển bền vững thì chúng ta cần xây dựng một thể chế mới với sự hài hòa, đồng bộ của ba trụ cột: Đảng lãnh đạo và nhà nước pháp quyền; thị trường với sự đại diện của hệ thống doanh nghiệp; xã hội dân sự. Ba trục này tương tác, bộc lộ, hiểu nhu cầu của nhau, cùng trao đổi để tìm ra phương án tối ưu. Đảng phải lấy nhu cầu của thị trường và xã hội dân sự để tìm ra phương án lãnh đạo tối ưu. Thị trường và xã hội dân sự cần tìm hiểu ý định chiến lược của Đảng và nhà nước để thực hiện những vấn đề cụ thể của mình.

Nếu xây dựng tốt ba trụ cột này thì cả ba đều mạnh: Đảng giữ vững được vai trò lãnh đạo, nhà nước sẽ là nhà nước pháp quyền, dân có lòng tin và phát huy tính chủ động, thị trường được tự do phát triển theo pháp luật. Tuy nhiên, muốn giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường, nhà nước và xã hội thì phải hiểu đúng bản chất của nó là quan hệ tương quan, chi phối lẫn nhau, cùng tồn tại. Không thể nghĩ rằng nó là mối quan hệ phụ thuộc theo kiểu tôi nói anh phải nghe”.

Chậm còn hơn không

. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9, Tổng Bí thư yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ tình trạng hiện tại của đất nước. GS nhận định thế nào về tư tưởng này?

GS-TS Trần Ngọc Hiên: Xã hội dân sự sinh đôi với kinh tế thị trường ảnh 1+ Rõ ràng là cách đặt vấn đề như vậy rất quan trọng và đáng lẽ chúng ta phải làm điều này từ trước rồi. Làm trước sẽ tốt hơn nhưng chậm còn hơn không. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng việc đặt ra vấn đề là một bước tiến nhưng có giải quyết được vấn đề hay không mới là điều quan trọng.

. Nghĩa là phải cụ thể hóa ra?

+ Lâu nay đặt mục đích tăng trưởng nhưng chỉ chạy theo số lượng, còn chất lượng, hiệu quả rất kém. Cái đó là mặt nổi. Vấn đề là phải mổ xẻ đằng sau việc chỉ chạy theo số lượng, ham thích số lượng mà xem nhẹ chất lượng là gì. Hoặc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì phải trả lời về mặt khoa học thế nào là công bằng. Trong điều kiện nào thì công bằng đến mức nào? Dân chủ gắn với cái gì? Chúng ta nói rằng tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội thì phải làm rõ cái ý đi đôi là thế nào.

Đó là những thách thức của đảng cầm quyền. Phải từ những vấn đề như vậy mới nói đến nhà nước pháp quyền. Phải nhìn toàn cảnh thì mới có thể thiết kế từng bộ phận. Ta cần đầu tư bao nhiêu khu công nghiệp? Chưa rõ. Hậu quả là các địa phương đua nhau theo kiểu phong trào để tăng trưởng GDP. Kết quả là làm cho bức tranh kinh tế quốc gia bị méo mó.

. Những con sông chết và nhiều người bị ung thư là hậu quả nhãn tiền của phát triển không bền vững. Vậy mà khi đặt vấn đề bảo vệ môi trường, có lãnh đạo địa phương vẫn nói rằng “Đang nghèo đói thế này thì nói gì đến môi trường”. Theo GS, làm thế nào để cải tạo những nhận thức như vậy?

+ Trước hết phải đào tạo số cán bộ này về phát triển kinh tế, mà phải đào tạo bằng tư tưởng mới. Trước đây, trong các bài giảng về kinh tế, người ta ít nói đến môi trường và xã hội nên nhiều người chỉ có tư duy phát triển kinh tế thuần túy. Thứ hai, đưa ra quan điểm và phương pháp về những vấn đề mà lãnh đạo phải giải quyết trong quan hệ giữa phát triển kinh tế với xã hội và môi trường. Thứ ba, dựa vào các tổ chức xã hội và nhân dân để giám sát việc làm của quan chức và doanh nghiệp.

Không thể từ chối xã hội dân sự

. Trở lại với mối quan hệ giữa thị trường, nhà nước và xã hội dân sự, theo GS thì nước ta đang yếu ở trục nào?

+ Nếu nhìn một cách biện chứng thì cả ba đều là nguyên nhân và kết quả của nhau. Ví dụ như trong vấn đề tham nhũng, tiêu cực của bộ máy thì thấy nó là biểu hiện sự lạc hậu của kinh tế, văn hóa. Sản xuất hàng giả, đánh bạc trên thị trường chứng khoán..., tất cả cái đó là biểu hiện ở trình độ văn hóa và kinh tế. Tình trạng hối lộ cũng xuất phát từ nền văn hóa và kinh tế như thế. Nếu bộ máy tốt thì nó sẽ khác. Một nền kinh tế, văn hóa lạc hậu muốn trở nên lành mạnh hơn thì phải có sự nỗ lực, chủ động từ bộ máy, nhất là ở tầng lớp lãnh đạo. Bộ máy phải nhìn trước vấn đề để đưa ra cách khắc phục. Xã hội dân sự cũng thế, nếu phát triển tốt thì nó sẽ có tác dụng trở lại là làm cho bộ máy lành mạnh, năng động hơn.

. Nhiều người cho rằng thúc đẩy xã hội dân sự phát triển như một giải pháp để lành mạnh hóa thị trường, GS nghĩ sao?

+ Cần phải hiểu rằng xã hội dân sự là con đẻ sinh đôi của kinh tế thị trường. Có kinh tế thị trường thì đương nhiên là có xã hội dân sự chứ không phải là ta chấp nhận hay không chấp nhận nó. Đó là một quá trình xã hội hóa theo hướng bình đẳng, dân chủ và phát triển. Như vậy, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự là sự phát triển đương nhiên của kinh tế thị trường, anh từ chối nó là không được.

Xã hội dân sự hình thành không phải do sự ban ơn mà nó hình thành trong mọi hoạt động, đời sống hàng ngày, phản ánh sự sinh động của thực tế. Vì vậy, muốn xây dựng từng nấc thang phát triển kinh tế thì phải tìm hiểu xem xã hội ở đó có nhu cầu thế nào để giải quyết tất cả vấn đề đặt ra và lái nó đi theo chiều hướng tốt (tất nhiên là chiều hướng khách quan chứ không phải chủ quan).

Cán bộ là then chốt

. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9, Tổng Bí thư có đề cập đến vấn đề đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Trong thực tế, nhiều quốc gia khi chuyển tiếp từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường đều lúng túng trong vấn đề này. GS nhận định như thế nào cách đặt vấn đề đó trong thời điểm hiện nay?

+ Ngay từ khi đổi mới, Đảng đã xác định rõ ràng là đổi mới kinh tế phải đi đôi với đổi mới chính trị, trong đó lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm. Đây là quan điểm cực kỳ hệ trọng và hiệu quả của nó nằm ở chỗ giải quyết chữ “đi đôi”. Điều này Lênin cũng đã từng nói rằng đổi mới chính trị phải theo yêu cầu của phát triển kinh tế. Nghĩa là đổi mới chính trị cũng phải luôn thực hiện cùng với đổi mới kinh tế. Đổi mới chính trị trước hết nằm ở việc đổi mới tầm nhìn và nhận thức, sau đó đến tổ chức bộ máy.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng muốn có tầm nhìn thì phải có một đội ngũ trí thức, nghiên cứu cụ thể, đưa ra những kiến giải xác đáng cho Đảng. Sau lý luận, công tác tổ chức là then chốt. Bố trí cho ai vào chỗ nào là vấn đề quan trọng. Bố trí đúng sẽ thúc đẩy phát triển, bố trí sai sẽ cản trở, nhất là đối với vị trí cấp trưởng. Cán bộ phải được tiêu chuẩn hóa, chẳng hạn như một bộ trưởng thì có tiêu chí gì, một bộ trưởng kinh tế có tiêu chí gì cụ thể. Nhà nước pháp quyền cũng không phải đứng yên một chỗ, nó phải đổi mới và phát triển theo từng nấc thang của kinh tế thị trường, nhất là giai đoạn kinh tế tri thức.

. Xin cám ơn GS.

Kinh tế tri thức là cơ sở của định hướng XHCN?

Nước ta có xuất phát điểm thấp nên các bài toán phát triển đặt ra là rất lớn. Thời đại công nghiệp đang kết thúc để chuyển sang thời đại kinh tế tri thức. Các yêu cầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, chất lượng đều là những yêu cầu của kinh tế tri thức. Nhiều nhà phân tích cho rằng phải đứng trên nền kinh tế tri thức thì mới có định hướng XHCN. Kinh tế tri thức là điều kiện và khả năng đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Nền kinh tế công nghiệp với đặc điểm là tập trung đầu tư, bóc lột nhân công, tàn phá môi trường đem đến hệ quả là suy giảm và khủng hoảng, không thể là cơ sở để phát triển bền vững.

LÊ KIÊN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm